Việt Nam hiện đang là nhà vô địch thế giới ở 3 giải đấu lớn nhất của nội dung billiards carom (World Cup, vô địch thế giới đồng đội và cá nhân). Billiards là môn thể thao khá phổ biến tại Việt Nam và về cơ bản, môn chơi này phù hợp với tố chất của người Việt Nam, nên đó là một trong vài môn hiếm hoi mà chúng ta có thể thi đấu và chiến thắng ở tầm thế giới. Tuy nhiên, trong billiards thì nội dung carom phổ biến hơn tại Việt Nam, nhiều người chơi hơn, từ bình dân, giải trí đến thi đấu chuyên nghiệp. Điều đó có nghĩa, cho dù là phù hợp với tố chất của người Việt, thì cũng không đơn giản là chúng ta phát triển đều ở mọi nội dung của billiards. Luôn cần quá trình dài lâu và những yếu tố liên quan đến bề rộng, độ sâu của các môn thể thao, chưa kể một vài khía cạnh cần có thêm yếu tố văn hóa, xã hội đặc thù. Ví dụ như trong billiards, thì các nội dung không phải carom đã phát triển lâu chưa, số lượng người chơi cũng như tỷ lệ VĐV chuyên nghiệp ra sao? Có bằng với những quốc gia phát triển nội dung này hay không? Chưa kể, dù chúng ta có tiến bộ thì các cường quốc ở những nội dung ấy cũng đâu có đứng yên, vậy thì tốc độ tiến bộ của ta so với họ như thế nào?
Đó chính là những yếu tố mang tính gốc rễ trong thể thao chuyên nghiệp. Chúng ta hay nói về chuyện “xây nhà từ móng” khi muốn vươn lên đỉnh cao thế giới ở một môn nào đó, nhưng vấn đề là… móng nào? Tại các quốc gia tiên tiến, “móng” của họ là thể thao học đường. Ví dụ như ở Mỹ, dù số lượng người yêu thích bóng đá rất lớn nhưng thể thao Mỹ lại đứng đầu thế giới ở các môn điền kinh, bơi lội hay bóng rổ. Mô hình của Mỹ đang được áp dụng tại Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại ở môn bóng đá.
Trong khi đó ở Việt Nam, gần như không có môn thể thao nào phát triển một cách chuyên biệt trong môi trường học đường, kể cả những môn không yêu cầu nhiều diện tích cơ sở vật chất như bóng bàn, cầu lông. Nền móng của thể thao đỉnh cao tại Việt Nam vẫn dựa trên mô hình cũ thời Liên Xô với các trung tâm huấn luyện địa phương tìm kiếm, đào tạo tài năng rồi chuyển lên tập trung dài hạn ở các đội tuyển quốc gia. Cách làm này hiện đang lỗi thời vì thường xảy ra tình trạng “đứt gãy” các thế hệ tài năng. Việc gần đây, Cục TDTT thực hiện hàng loạt ký kết hợp tác với các trường đại học trên cả nước nhằm đảm bảo “đầu ra” cho các VĐV đỉnh cao có thể là bước khởi đầu để xây dựng một nền thể thao học đường có tính căn cơ hơn cho tương lai.