Wushu TPHCM vượt khó khăn, gây dựng lực lượng

Vẫn còn những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển bộ môn, song bộ môn wushu TPHCM đang nỗ lực không ngừng để đạt các dấu ấn trong việc phát triển phong trào cũng như thể thao thành tích cao. 

VĐV wushu TPHCM được tập luyện từ nhỏ để đảm bảo những yêu cầu nhanh, mạnh, dẻo, phản ứng nhanh. Ảnh: NGUYỄN ANH
VĐV wushu TPHCM được tập luyện từ nhỏ để đảm bảo những yêu cầu nhanh, mạnh, dẻo, phản ứng nhanh. Ảnh: NGUYỄN ANH

Kể từ khi wushu du nhập vào Việt Nam, TPHCM cùng với Hà Nội trở thành 2 đơn vị đi đầu trong cả nước phát triển việc tập luyện cả ở phong trào lẫn chuyên nghiệp. Tại TPHCM, phong trào wushu đã len lỏi đến khắp các quận huyện, các đơn vị mạnh đóng góp nhiều gương mặt cho đội tuyển như quận 3, quận 5, quận 6, Gò Vấp, Tân Bình…

Những VĐV như Phùng Thị Mỹ Linh, Trần Lê Thanh Trúc (Taolu biểu diễn), Lê Tuấn Anh (tán thủ)…đã có những thành tích nổi bật ở các giải đấu lớn trong nước và quốc tế. TPHCM cũng chứng minh được vị thế của mình qua thành công ở giải đấu như thành tích hạng 3 toàn đoàn với 6 HCV, 12 HCB, 7 HCĐ ở giải trẻ quốc gia 2022 mới đây…Vào tháng 12 tới, một đại diện của wushu TPHCM là VĐV Lê Minh Điền (nội dung Taolu) sẽ tranh tài tại giải trẻ thế giới 2022.

Wushu TPHCM vượt khó khăn, gây dựng lực lượng ảnh 1 Các VĐV tán thủ tập luyện có trang bị bảo hộ đảm bảo. Ảnh: NGUYỄN ANH
Hiện tuyển wushu TPHCM có 10 HLV, 36 VĐV thuộc các tuyến năng khiếu, trẻ, đội tuyển đang tham gia luyện tập tại Nhà tập luyện Phú Thọ. Ở mỗi buổi tập, sau những bước khởi động ban đầu, các VĐV tiến hành khởi động chuyên môn, bài tập cơ bản công, bài tập chuyên môn sở trường của từng VĐV. Thông thường vào các buổi sáng, những bài tập chạy tốc độ, chạy cầu thang…được thêm vào nhằm gia tăng thể lực cho tuyển thủ.

Chị Nguyễn Thị Châu Ngân (HLV đội trẻ wushu TPHCM) cho biết, thông thường trong một năm đội tuyển chỉ tuyển được khoảng 3 em, sau thời gian đào tạo chuyên nghiệp khoảng 5 năm hoặc có thể kéo dài hơn mới thành một em. Nhất là ở nội dung Taolu, có khi sau một đợt đào tạo 20 VĐV ban đầu theo lộ trình vài năm, chỉ có thể chọn ra được một tuyển thủ hoặc không có em nào để tiếp tục định hướng phát triển đỉnh cao. Bởi vậy mới thấy việc đào tạo VĐV wushu đỉnh cao không thể ngày một ngày hai mà thành, mà ở đó là sự cố gắng của ban huấn luyện, những người làm công tác chuyên môn và cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính VĐV.

Wushu TPHCM vượt khó khăn, gây dựng lực lượng ảnh 2 HLV sẽ theo sát hướng dẫn từng VĐV ở nội dung Taolu. Ảnh: NGUYỄN ANH
Nhắc đến wushu, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bài quyền pháp tay không hay với binh khí đòi hỏi độ mềm dẻo của cơ thể ở nội dung Taolu, cũng như tổ hợp đòn thực chiến, thiên về sức mạnh đòn đánh ở nội dung tán thủ. Nội dung nào cũng vậy, muốn luyện thành và ra sân thi đấu thì VĐV phải mất thời gian dài khổ luyện.

VĐV Lê Minh Điền cho hay: “Qua 8 năm gắn bó với nội dung Taolu, tôi nghĩ VĐV cần có sự tập trung cao độ trong quá trình luyện tập, bởi các động tác đòi hỏi từ độ dẻo, sức mạnh hay bay đá đều có thể gây chấn thương nếu lơ là thực hiện. Một bài tập thông thường có thể mất vài tuần để tập được, nhưng các động tác bay đá chẳng hạn đá toàn phong 720 độ là một bài khó, phải mất từ nửa năm đến một năm mới thành thục”.

Tin cùng chuyên mục