Nếu xét về khả năng “đối ngoại”, tức là thi đấu và gặt hái được thành tích quốc tế, Vũ Thị Trang dĩ nhiên trội hơn so với Nguyễn Thùy Linh, tay vợt ở vài giải quốc nội gần đây thường thắng được đàn chị. Kinh nghiệm và bản lĩnh được tôi luyện suốt những năm qua vừa giúp Vũ Thị Trang tạo dấu ấn ở nội dung đơn nữ Giải vô địch cầu lông thế giới (đang diễn ra tại Thụy Sĩ), suýt chút nữa lọt vào đến vòng đấu tứ kết.
Mặc dù không đánh bại được tay vợt 20 tuổi Yeo Jia Min (Singapore, hạng 32 thế giới), nhưng chắc chắn thứ hạng của cô trên bảng tổng sắp BWF thời gian tới sẽ được cải thiện và nhiều khả năng Trang sẽ bỏ lại sau lưng hạng 74 để trở lại với tốp 60 thế giới. Điều này còn mang ý nghĩa quan trọng khác, chính là sẽ thúc đẩy cô nỗ lực hơn nữa trong cuộc chạy đua giành tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020.
Đây là màn tái hợp đầy thú vị, sẽ giúp cầu lông TPHCM không chỉ dẫn đầu Việt Nam về thành tích mà còn góp phần rất lớn vào chiến lược đào tạo ra những tay vợt cầu lông tài năng cho thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung trong tương lai. Tay vợt Nguyễn Tiến Minh thậm chí từng trăn trở với kế hoạch mở một Học viện cầu lông không ngoài mục tiêu tìm kiếm và huấn luyện nên những tay vợt xuất chúng, sau thế hệ của chính anh và đàn em Phạm Cao Cường, Nguyễn Hải Đăng…
Vũ Thị Trang đang trên đà trở lại, dần tìm được phong độ ấn tượng nhờ được chính chồng mình kèm cặp và chỉ dẫn trong các buổi tập, đồng thời được cả chuyên gia Indonesia chuyên về nội dung đấu đơn mách nước, chắc chắn sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò thủ lĩnh của mình ở đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay ở Philippines.
Cho nên, cách ví von của giới làm nghề rằng “cầu lông TPHCM như hổ thêm cánh khi có được Vũ Thị Trang” xem ra cũng chẳng hề ngoa ngôn.