Không phải bây giờ, khi thêm một đội bóng nữa đứng trước nguy cơ phải giải thể, người ta mới được chứng kiến sự… thờ ơ đến mức đáng báo động của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV). Lẽ ra, để ngăn chặn những cuộc tháo chạy, để duy trì sự tồn tại và hưng thịnh của một trong những môn thể thao hấp dẫn hàng đầu này, VFV phải khẳng định vai trò của mình.
Chẳng mất mát gì nếu như VFV gửi văn bản níu kéo, hoặc thậm chí tổ chức buổi gặp gỡ với đơn vị chủ quản của các đội bóng tính chuyện từ bỏ cuộc chơi, để kịp thời lắng nghe khó khăn, để tích cực động viên họ tiếp tục đầu tư cho bóng chuyền.
Đằng này, sau quá nhiều cuộc bể dâu, sau sự kiện hàng loạt thương hiệu như Bưu điện Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Vietsov Petro, Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương, Quân khu 5… tuyên bố xóa sổ, VFV vẫn chẳng động tâm, để mặc mọi chuyện xuôi theo hướng thật đáng buồn và nuối tiếc.
Nếu VFV thể hiện sự trân trọng, chứng tỏ được đang làm vì sự nghiệp bóng chuyền chung, chắc có lẽ những nhà đầu tư, các mạnh thường quân sẽ không ngoảnh mặt, quay lưng như thế. Xây dựng một đội bóng để đi đến thành công là rất khó, nhưng để nó tự tan vỡ thì quá dễ dàng và có phần nghiệt ngã.
VIỆT HÙNG