Sự ra đời của công ty quản lý VPF được chờ đợi sẽ làm cho lịch sử bóng đá Việt Nam sang trang. Chức năng của nó không đơn thuần chỉ để thay thế cho ban tổ chức các giải đấu như trước đây bởi đây là một công ty. Thế nhưng, các ông bầu “sáng lập viên” của công ty này lại cho rằng tính thuyết phục của VPF không nằm ở lợi nhuận. Dù việc “Lấy bóng đá nuôi bóng đá” là nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp.
Hiện tại, nguồn thu của V-League gần đạt 50 tỷ đồng/mùa. Bao gồm 30 tỷ đồng tài trợ của Eximbank, 7 tỷ đồng từ tiền đóng niên liễm của 14 CLB, khoảng 4 tỷ đồng từ bản quyền truyền hình cùng các lệ phí đóng phạt thẻ. Các khoản chi tổ chức thi đấu phần lớn do các CLB chịu. Xem ra, VFF “làm ăn có lãi” với mô hình ban tổ chức do họ thành lập.
Khi chuyển giao quyền cho VPF, các CLB sẽ góp vốn 1 tỷ đồng/đội và sẽ không phải trả các chi phí liên quan đến công tác điều hành, trọng tài. Như vậy là các CLB sẽ không phát sinh thêm tiền so với mô hình cũ, lại được nhận lãi vào cuối mùa. Tuy nhiên, nếu nguồn thu vẫn như hiện nay thì lợi nhuận mà các CLB được hưởng cũng chẳng bao nhiêu. VPF phải làm sao tăng được giá trị của thương quyền V-League từ 30 tỷ đồng hiện nay.
VPF cũng phải triệt để khai thác thêm tiền bản quyền truyền hình vốn đã bị VFF bán độc quyền đến 20 năm cho AVG. Dưới góc độ tiếp thị, cả 2 nguồn thu trên khó lòng mà tăng nhanh trong thời gian sắp đến do đặc thù của bóng đá Việt Nam.
Vì thế, hy vọng duy nhất được “gởi gắm” vào VPF đó là làm sao cho các trận đấu trở nên sạch hơn, đẹp hơn đến đưa khán giả đến sân nhiều hơn. Chính các CLB phải bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh dựa trên khán giả. Hiện nay, nhiều sân vẫn mở cửa miễn phí, “mất” mỗi năm có thể đạt gần 5 tỷ đồng/mùa bóng.
Nói như vậy để thấy sự ra đời của VPF chỉ là một “cái cớ”. Quan trọng là các CLB phải làm gì sau đó bởi nếu không có lợi ích từ kinh doanh, rất dễ nảy sinh các mâu thuẫn khi mỗi CLB có một mục đích đầu tư khác nhau.
ĐĂNG LINH