Khi chúng tôi đưa câu hỏi rằng, vào lúc này, VĐV cầu lông nào đang là người có nguồn tài trợ và thu nhập cao nhất Việt Nam? Đại diện bộ môn cầu lông (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn cầu lông Việt Nam đều khó trả lời bởi chuyện thu nhập của VĐV là tế nhị và ít khi được chia sẻ bên ngoài.
Tiến Minh đã rơi khỏi tốp 100 tay vợt thế giới trên bảng xếp hạng của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF). Tuy nhiên, tay vợt của TPHCM vẫn là người có nguồn tài trợ tốt vào lúc này. Không nói rõ con số cụ thể, tuy vậy đại diện của nhà phân phối nhãn hàng Yonex tại Việt Nam đã chia sẻ rằng đơn vị này đang tài trợ cá nhân cho Tiến Minh và đây là hợp đồng tài trợ cá nhân cao nhất của hãng cho 1 VĐV của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Dĩ nhiên, việc tài trợ không chỉ là tiền mặt mà còn là gói sản phẩm trang phục, vợt khi thi đấu nên không nhiều tay vợt được gói tài trợ sản phẩm mạnh như Tiến Minh đang được nhận.
Ngoài Tiến Minh, một số gương mặt Nguyễn Thùy Linh, Vũ Thị Trang, Đỗ Tuấn Đức, Phạm Như Thảo là những người đã được ký kết tài trợ cá nhân với thương hiệu trên. Tay vợt Lê Đức Phát cũng có nhà tài trợ cá nhân, tuy nhiên không phải tới từ thương hiệu Yonex. Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh ngoài tài trợ của thương hiệu cầu lông trên, cô còn nguồn hỗ trợ từ đơn vị chủ quản Đồng Nai và nguồn xã hội hóa từ CLB Kim Sơn Chinh. Con số nhận tài trợ ở mức đủ cho cá nhân Thùy Linh tham gia các hoạt động thi đấu của cầu lông vào lúc này.
Để có được những gói tài trợ như thế, từng người họ đã nỗ lực thể hiện bản thân bằng chuyên môn qua giải đấu. Tay vợt Nguyễn Tiến Minh là ví dụ cụ thể nhất ở việc có tài năng cầu lông cùng sự đầu tư phù hợp của địa phương TPHCM, gia đình, định hướng của HLV và sự quyết tâm của bản thân nên trong giai đoạn thi đấu đỉnh cao thì Minh liên tục ra nước ngoài dự giải, giành được nhiều phần thưởng rồi thứ hạng cao của BWF.
“Việc hai bên tiến tới gắn kết cũng như nhãn hiệu thấy được triển vọng chuyên môn của VĐV để xúc tiến tài trợ cá nhân hay không hoàn toàn xuất phát từ chính VĐV ấy. VĐV thi đấu đạt kết quả, có hình ảnh tốt trước cộng đồng cùng thêm nhiều yếu tố khác thì chúng tôi chắc chắn sẽ tìm hiểu và ký kết. Trên hết, bản thân VĐV là người tự quyết vì họ phải thể hiện bằng kết quả”, đại diện đơn vị phân phối nhãn hàng Yonex từng bày tỏ.
Nói về cầu lông Việt Nam, người làm chuyên môn không thể không nhắc về các cựu HLV Dương Thị Liên (Hà Nội) và Huỳnh Thị Ngọc Liên (TPHCM). Có thể xem, 2 nữ tướng cầu lông này chính là những người thể hiện tâm huyết cho môn thể thao mình đã theo đuổi và từ đó dốc sức đi cùng các VĐV để họ được phát triển tốt nhất. Từ giai đoạn manh nha ban đầu (năm 2002) đến khi thành danh, Nguyễn Tiến Minh có sự chỉ bảo tận tình và định hướng chuyên nghiệp rõ ràng từ HLV Huỳnh Thị Ngọc Liên. Với cầu lông Hà Nội, bà Dương Thị Liên cũng tạo được dấu ấn chuyên môn giúp nhiều gương mặt có một ý thức chuyên nghiệp nhất. Bây giờ, cả 2 HLV này đã lui về phía sau không xuất hiện nhiều ở vai trò huấn luyện (tháng 7 vừa qua, bà Dương Thị Liên đã xin nghỉ việc tại đơn vị Hà Nội) nên ít nhiều người làm nghề lại mong có thêm những người tâm huyết như thế nối bước.
VĐV có chuyên môn nhưng không có HLV hiểu mình để khai phá chuyên môn đó phát triển đạt đến ngưỡng tốt nhất thì mọi thứ đều không hoàn hảo. Phó Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam – ông Lê Thanh Hà từng phân tích “mỗi giai đoạn, môn thể thao nào cũng có một lứa VĐV trẻ xuất hiện. Chúng tôi luôn có những đánh giá kỹ lưỡng và theo dõi quá trình để xem những người triển vọng sau một thời gian được phát triển như thế nào. Nguồn lực của đơn vị chủ quản kết hợp với gia đình và của nhà nước là động lực tốt cho VĐV phát triển nhưng bản thân họ cũng phải có đam mê và nỗ lực rồi hiện thực hóa bằng kết quả chuyên môn”.
Tới đây, giải cầu lông Việt Nam mở rộng 2022 (Vietnam Open 2022) là một trong những dịp ban tổ chức giải tạo cơ hội tối đa cho các VĐV Việt Nam góp mặt để thi đấu cọ xát, thể hiện chuyên môn. Giải diễn ra từ 27-9 tới 2-10 ở TPHCM. |