Theo Chủ tịch IOC Thomas Bach, đây là một thỏa thuận được nhất trí giữa ban điều hành gồm 15 thành viên. Trong tài liệu hướng dẫn dài 5 trang vừa đưa ra, IOC cho biết các VĐV từ Nga và Belarus sẽ được gọi là “VĐV trung lập cá nhân”, với từ viết tắt tiếng Pháp là AIN. Gọi như vậy là bởi họ không được tham gia bất kỳ sự kiện đồng đội nào trong các môn thể thao khác. Ngoài các môn thể thao đồng đội như bóng đá và bóng rổ chắc chắn bị cấm, môn chạy tiếp sức hoặc đôi nam nữ/đồng đội toàn năng trong thể dục dụng cụ cũng bị hạn chế. Các VĐV của Nga và Belarus cũng chỉ được phép mặc đồng phục toàn màu trắng, hoặc một màu bất kỳ và không được có biểu tượng của đội. Họ cũng bị cấm hiển thị cờ quốc gia trên mạng xã hội, hoặc đưa ra những tuyên bố “có thể gây phương hại đến lợi ích của giải đấu hoặc tính trung lập của người tham gia”.
Tuy nhiên, IOC cũng nhấn mạnh các VĐV “thuộc biên chế của quân đội hoặc các cơ quan an ninh quốc gia” sẽ không được tham gia thi đấu với tư cách cá nhân trung lập. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều VĐV khi theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Nga gần đây, có hơn 20 VĐV giành huy chương của nước này tại Olympic Tokyo diễn ra năm 2021 từng giữ quân hàm. Trong số 71 huy chương Nga giành được tại Nhật Bản, có 45 huy chương của các VĐV thuộc Câu lạc bộ Thể thao Trung ương Quân đội.
IOC đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cấm hoàn toàn các VĐV Nga và Belarus tham dự Olympic Paris vì cuộc chiến ở Ukraine, và họ đã trì hoãn đưa ra quyết định quan trọng này. Khi được hỏi liệu IOC có đang “câu giờ” để hy vọng chiến tranh sớm kết thúc hay không, Chủ tịch Thomas Bach nhấn mạnh rằng “chúng tôi sẽ không từ bỏ nó”. Khi nói đến các sự kiện khác, gồm cả vòng loại Olympic, IOC cho biết cơ quan quản lý của từng môn thể thao sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu các VĐV Nga và Belarus có thể tham gia hay không.