U22 Việt Nam trước trận thứ 2 tại SEA Games: Ai tiến, Ai lùi?

Trận thắng trước U22 Lào trong trận ra quân môn bóng đá nam SEA Games 32 là chiến thắng đầu tiên của HLV Troussier kể từ khi ký hợp đồng với tham vọng đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup. Tuy nhiên, đó là 3 điểm vô cùng khó nhọc, để lại nhiều băn khoăn hơn là niềm vui khởi đầu suôn sẻ.
HLV Troussier không hài lòng về một số tình huống phối hợp của U22 Việt Nam. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
HLV Troussier không hài lòng về một số tình huống phối hợp của U22 Việt Nam. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Trận thắng trước U22 Lào trong trận ra quân môn bóng đá nam SEA Games 32 là chiến thắng đầu tiên của HLV Troussier kể từ khi ký hợp đồng với tham vọng đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup. Tuy nhiên, đó là 3 điểm vô cùng khó nhọc, để lại nhiều băn khoăn hơn là niềm vui khởi đầu suôn sẻ.

Điểm đáng chú ý nhất trong trận đấu đó chính là gần 30 phút ép sân của U22 Lào trước Việt Nam. Có thể nói đây là điều chưa từng xảy ra trong các cuộc đối đầu giữa 2 nền bóng đá Việt – Lào ở mọi cấp độ. Chúng ta có nhiều trận đấu khó khăn, thậm chí từng bị Lào cầm hòa, nhưng chuyện bị ép sân, tấn công dồn dập đến mức nhiều thời điểm chơi mất phương hướng, thì chỉ có trận đấu này mà thôi. Đánh giá một cách công bằng, thì Lào xứng đáng có ít nhất 1 điểm.

Bóng đá Lào thời gian gần đây có tiến bộ, nhưng so với sự phát triển của bóng đá Việt Nam thì tốc độ tiến bộ của Lào vẫn còn kém xa. Thế nên, từ trận thắng chật vật vừa qua, bên cạnh sự tiến bộ của Lào thì cần phải nhìn nhận những bước lùi của bóng đá Việt Nam, ít nhất là với đội U22 trong tay HLV Troussier hiện tại. Cái cách mà những học trò của ông Troussier chống đỡ cuối trận đấu, có cảm giác chúng ta đang đá với Thái Lan chứ không phải với Lào. Sự tự tin của U22 Lào có nguyên nhân đến từ cách chơi bế tắc của U22 Việt Nam. Đội bóng có lợi thế dẫn bàn từ rất sớm nhưng không làm chủ được thế trận.

Suốt thời gian qua, HLV Troussier cho thấy mình là người nhiệt tâm với công việc. Gần 70 tuổi rồi nhưng ông vẫn sẳn sàng thị phạm, chỉ dạy từng kỹ thuật cơ bản cho các cầu thủ U22. Ông tạo ra các buổi tập tối, tập kín, thiết kế nhiều bài huấn luyện mới mẻ, nhưng kết quả thể hiện trên sân dường như không đạt kết quả gì đáng kể. Lối chơi kiểm soát bóng vẫn là một khái niệm xa lạ trong cách mà U22 thi đấu. Có thể ông Troussier cần thêm thời gian, hoặc cũng có thể, chọn lựa chiến thuật của ông đã không đúng hướng, không phù hợp với cầu thủ Việt Nam hoặc cũng có thể là năng lực của cầu thủ không thể vận hành được các yêu cầu đó.

Không ai ngờ vực đẳng cấp của HLV Troussier nhưng có lẽ cũng không nên gọi ông là “Thầy phù thủy” vì thực tế cho thấy ông thầy người Pháp không có trong tay cây đũa thần để nhanh chóng đưa bóng đá Việt Nam đến tầm cao mới ở nguồn lực hiện tại. Nói cách khác, không nên kỳ vọng quá cao khi mà ngay việc bảo vệ HCV SEA Games cho đến lúc này cũng đang trở nên rất khó khăn. Hơn nữa, qua những gì U22 Lào đã thể hiện, cũng cần nhìn nhận là bất kỳ nền bóng đá nào cũng đều có khả năng tiến bộ, không riêng gì chúng ta.

Đội U22 Việt Nam đã khởi đầu SEA Games bằng một chiến thắng, nhưng không biết liệu đó là một bước tiến so với những trận đấu giao hữu toàn hòa và thua, hay là một bước lùi so với thời của HLV Park Hang-seo? Câu trả lời được chờ đợi sẽ đến trong trận đấu với U22 Singapore ở lượt trận thứ 2.

Tin cùng chuyên mục