Chín trận liên tiếp không biết thắng là chu kỳ trượt dốc, nhạt nhòa phong độ của tuyển Việt Nam. Nhưng một khi ông Calisto tôn sùng mệnh đề: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” thì việc gia cố tổ chức, cách vận hành lối chơi mới là vấn đề đáng ngại nhất của các nhà đương kim vô địch lúc này.
Vì sao hỗn loạn?
Có 2 sơ đồ chiến thuật được HLV Calisto thử nghiệm trong cuộc kiểm duyệt lần cuối trước SLNA. Đội hình 1 - vốn là bộ khung chơi tại AFF Cup 2010 - đá theo sơ đồ 4-3-3 với 1 tiền đạo cắm cao nhất là Quang Hải, còn đội hình 2 đá theo sơ đồ 4-4-2. Cả 2 đội hình ấy đều có những sai số, cho dù cũng có thể biện minh rằng, đội bóng của ông Calisto còn phải giữ chân, làm “bè” trong trận giao hữu trên sân Vinh.
Gạt qua những yếu tố làm chùn chân học trò ông Calisto, thẳng thắn mà nói, lối chơi của tuyển Việt Nam rất bí, có chút hỗn loạn. Cái nhận thấy rõ nhất là tính tổ chức, bất chấp việc tuyển Việt Nam đã cố gắng đá theo cách mà ông Calisto truyền thụ: cố gắng kiểm soát bóng thật nhiều, buộc đối phương bị quần thảo và suy sụp trước khả năng kiểm soát bóng, thế trận. Trong cả 2 thử nghiệm, tuyển Việt Nam đã không tài nào áp đặt được lối chơi lên đội chủ sân Vinh, bởi đội bóng của ông Calisto bị rối trong khâu tổ chức.
Lẽ thông thường, đội hình 1 đáng ra phải chơi nhuyễn, có tính tổ chức tốt hơn đội hình 2 bởi nó sở hữu thủ quân Minh Phương trong đội hình ấy. Nhưng Minh Phương lúc này có vẻ không đạt trạng thái tốt nhất, nên đã không thể hiện được vai trò làm nhịp trong lối chơi của các nhà ĐKVĐ Đông Nam Á. Không có nhiều đường chuyền chết người phóng ra từ đôi chân của Minh Phương.
Đối với đội hình 2, tình hình càng trở nên rối loạn khi 2 tiền vệ trung tâm là Trọng Hoàng, Duy Quang đá không đúng theo “quy hoạch”. Trọng Hoàng luôn trồi lên phía trên, còn Duy Quang đã bị tuổi tác đè nặng lên đôi chân. Duy Quang đuối sức khi phải gánh cả công việc do Trọng Hoàng bỏ lại, nên tính tổ chức, điều phối lối chơi của tuyển Việt Nam càng thấp. Cái cách mà Duy Quang nhận thẻ phạt, có nhiều pha phạm lỗi giống như cách để “bù” cho việc đuối trong khâu kiểm soát tuyến giữa của tuyển Việt Nam.

Tiền vệ Trọng Hoàng (11, tuyển VN) trong trận giao hữu hòa SLNA 1-1. Ảnh: Quang Minh
Gia cố thủ lĩnh
Ở trận giao hữu tại sân Vinh, rất đáng tiếc cho ông Calisto là không thể sử dụng 2 tiền vệ Tài Em, Phan Thanh Hưng. Tài Em bị đau, ngồi ngoài làm khán giả, còn tiền vệ Thanh Hưng chưa thể tập trung tuyển Việt Nam vì bận việc riêng. Chính vì vậy, ông Calisto bỏ lỡ dịp để so sánh, chọn lựa trước khi chọn mặt gửi vàng để chọn ai làm người cầm trịch cho tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2010.
Với tình thế hiện tại, có vẻ Minh Phương, Tài Em vẫn là chọn lựa hàng đầu của ông Calisto. Tuy vậy, bất chấp tuyên bố đã khỏe 100%, Minh Phương đã có dấu hiệu của tuổi tác đè nặng. Tiền vệ này sau dịp tỏa sáng ở Cup 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã sa sút phong độ, và thể lực của Minh Phương cũng khó đảm bảo đá hay trong cả 90 phút.
Thế cho nên, dẫu Minh Phương vẫn ngẫu hứng, rất hay trong những pha xử lý, chuyền bóng thì đảm bảo tiền vệ này đá hay như cách nay 3-4 năm là khó. Trong khi đó, Tài Em còn “đuối” hơn Minh Phương vì liên tục bị hành hạ bởi chấn thương. Tài Em luôn trong tình trạng trận đá, trận nghỉ, cho nên, thật nghi ngờ nếu ông Calisto cùng đặt Minh Phương - Tài Em bên cạnh nhau, bởi như thế đồng nghĩa việc tuyển Việt Nam “chấp” đối thủ trong khâu phòng ngự tuyến 2.
Gia cố bằng cách nào? Quanh đi quẩn lại, phương án dùng Phan Thanh Hưng có vẻ là khả dĩ nhất, vì tiền vệ SHB.Đà Nẵng trẻ, khỏe và khả năng cầm trịch, chuyền bóng cũng không kém 2 công thần là mấy. Vấn đề là Hưng “vịt” phải chứng minh trong chặng nước rút, bởi cái gì đã ăn sâu như tiềm thức, nhất là đối với ông thầy khá chuộng công thần như Calisto, là không dễ thay đổi!
Ngọc Linh
|