Facebook liệu có chia phần?
Theo ý kiến của một lãnh đạo đài truyền hình hiện đang phát sóng giải ngoại hạng, Facebook nhiều khả năng chia sẻ bản quyền chứ không độc quyền. Về cơ bản, đây là những nền tảng phục vụ người xem khác nhau nên tính cạnh tranh không cao.
Tuy nhiên, việc gã khổng lồ công nghệ phát triển dịch vụ Facebook live và Facebook video trong thời gian gần đây, cho thấy tham vọng lấn sân truyền hình của họ là rất khó lường. Nếu chỉ đơn thuần “giữ chân” người dùng, họ có thể chia sẻ bản quyền. Nhưng nếu họ đang ở một “cuộc chiến” khác, với những đối thủ như YouTube, Amazon hay Nexflix… thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Bản quyền của giải ngoại hạng đắt đỏ nhất thế giới, bởi đó là “miếng bánh ngon nhất”. Facebook không bỏ ra số tiền lớn chỉ để bán lại kiếm lời. Trên thực tế, ngay cả khi Facebook muốn bán lại bản quyền, thì cũng chưa chắc các đài truyền hình đã… dám mua. Với số tiền được cho là lên đến 264 triệu USD cho 3 mùa (2019 - 2021) tại 4 quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia thì rõ ràng, con số dành cho thị trường Việt Nam cao hơn nhiều so với đợt mua bản quyền gần nhất của K+ (khoảng 46 triệu USD). Nếu chia sẻ theo kiểu để kinh doanh, số tiền mà Facebook đưa ra chắc chắn là không nhỏ hơn 3 năm vừa qua đối với các đài. Như vậy, chi phí mua tăng, trong khi lượng người xem có thể còn giảm mạnh thì liệu các đài có đủ sức mua? Hơn nữa, mua để làm gì?
Đại diện của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, việc Facebook phát sóng giải ngoại hạng là vi phạm pháp luật nếu như không được Bộ TT-TT cấp phép, cũng như không tuân thủ một số điều của Luật Báo chí trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình. Thế nhưng, các ràng buộc nói trên cũng không dễ thực thi với một nhà cung cấp dịch vụ có tính chất gián tiếp như Facebook.
Ví dụ như tại Ấn Độ, các trận đấu La Liga được phát sóng qua tài khoản chính thức của giải đấu này bằng livestream, khó mà cho rằng đó là do chính Facebook phát. Còn về vấn đề “bình luận tiếng Việt”, thực tế một số trận đấu ở giải ngoại hạng tại Việt Nam hiện nay, nhiều đài còn để nguyên bản tiếng Anh mà phát chứ không có bình luận.
Trách nhiệm với khách hàng
Trong trường hợp Facebook không chia sẻ bản quyền, sự thiệt thòi sẽ rơi vào người hâm mộ bóng đá. Thực tế thì “cực chẳng đã” người ta mới xem bóng đá qua Facebook hay máy tính. Chất lượng hình ảnh kém, phụ thuộc vào đường truyền và không thể nghe bình luận tiếng Việt. Không phải tự nhiên mà các quán cà phê đều phải lắp truyền hình K+ nhằm phát bóng đá Anh vào mỗi cuối tuần. Cái không khí xem bóng đá như vậy chắc chắn là thứ mà Facebook không thể đem lại.
Nói như vậy để thấy, việc xem bóng đá trên truyền hình là nhu cầu có thật và những người xem bóng đá cũng là “nguồn sống” của các nhà đài một thời gian rất dài. Việc các nền tảng truyền hình “phi truyền thống” xuất hiện và cạnh tranh hoàn toàn có thể nhận biết từ lâu, chính vì vậy, không thể cứ gặp bất lợi thì lại sử dụng những công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi mà quên trách nhiệm của mình.
Bởi như đã nói, dù “ép” Facebook phải chia sẻ bản quyền thì liệu các đài có đủ tiền để mua hay không. Đây là khía cạnh kinh doanh thuần túy, các sự việc tương tự liên tục xuất hiện ở những năm gần đây khi giá bản quyền bóng đá ngày càng tăng nhanh. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ các hệ thống truyền hình phải thay đổi mình, hướng đến khán giả của mình. Một thời gian rất dài, các đài truyền hình “hăng say” mua bản quyền bóng đá, kể cả những giải đấu không có người xem đông, chỉ vì muốn có chữ “độc quyền”. Chính cuộc đua “vô tổ chức” đó đã tạo ra lượng người xem bóng đá khổng lồ gần như không phải trả phí. Hệ lụy của nó là giá bản quyền tăng phi mã, bởi bên bán chỉ nhìn thấy số người xem, đâu cần quan tâm đến chuyện các đài của Việt Nam thu được bao nhiêu tiền.