Tại sao là Zidane mà không phải bất kỳ HLV nào đang thất nghiệp khác? Vì đây là Man.United, một Man.United thời kỳ “hậu Sir Alex Ferguson”. Người ta không so sánh thành tích thời Van Gaal với người tiền nhiệm David Moyes, không so thời Mourinho với Van Gaal, tất cả đều có chung một hệ quy chiếu: Alex Ferguson, người đã đem về đến 13 danh hiệu vô địch cho Quỷ đỏ. Ngay cả một David Moyes ít tiếng tăm, lẽ ra không phải chịu áp lực, rốt cục cũng trở thành nạn nhân của phép so sánh… vô lối đó.
Ở Man.United hiện nay, sự nôn nóng tái lặp thời hoàng kim mới chính là thứ khiến cho sự hoảng loạn bao trùm lên Old Trafford. Người ta không còn đủ khả năng để… nhìn xuống nữa, thế nên nếu tìm người thay Mourinho thì chỉ có cái tên duy nhất là Zidane. Phải tương đồng đẳng cấp và thành tích như vậy có vẻ mới làm người ta thỏa mãn, ít ai thực sự nghĩ đến chuyện phải làm lại từ đầu.
Và có lẽ cũng chẳng mấy ai nhớ đến gần 30 năm trước, nhà cầm quân người Scotland Alex Ferguson khởi đầu ra sao. Huyền thoại này đến với Man.United khi đội bóng đang ở thời điểm bết bát, phải sa thải HLV Ron Atkison và có gần 1 thập kỷ chưa thể vô địch Anh. Bản thân HLV Alex Ferguson cũng khởi đầu công việc của mình rất tệ với vị trí thứ 11 và mất đến 5 năm sau mới lần đầu tiên vô địch giải ngoại hạng. Sự may mắn của Sir Alex có lẽ là Man.United khi ấy chưa tự giam mình trong những “xiềng xích của vinh quang” như những HLV đang nối tiếp đế chế quá khổng lồ mà ông để lại.
Ở Man.United hiện nay, mọi HLV đều có thể thất bại mà không có cơ hội để giãi bày. Mọi thứ bắt đầu sai từ lúc sa thải David Moyes. Lẽ ra ở thời điểm đó, HLV này cần có nhiều thời gian hơn thay vì bắt ông ta phải duy trì quyền năng của người tiền nhiệm. Sự nôn nóng của lãnh đạo Man.United khởi đầu từ lúc đó, tăng dần cấp độ với việc bổ nhiệm Van Gaal và đỉnh điểm chính là chọn Mourinho, người mà bất kỳ ai cũng biết có triết lý bóng đá không tương đồng với Man.United.
Hãy lấy ví dụ ở Chelsea. Sau 5 chức vô địch và 13 triều đại HLV trong 15 năm sở hữu Chelsea, cuối cùng tỷ phú Abrahimovic cũng thoát ra được nỗi ám ảnh vinh quang khi chấp nhận bổ nhiệm Maurizio Sarri, người không có trong tay danh hiệu nào để thay thế cho Conte lừng danh. Cuộc chuyển giao không có áp lực ấy đã giúp Chelsea khởi đầu mùa bóng thanh thoát dù không mua sắm rầm rộ. Ở Arsenal, rốt cục mọi thứ vẫn ổn sau khi Emery tiếp nhận một Arsenal vốn đã bệ rạc ở phần cuối triều đại Wenger. Tình cảnh của Pep, Klopp hay Pochettino ở Man.City, Liverpool và Tottenham cũng tương tự. Họ không phải cố làm cho tốt hơn người tiền nhiệm, thay vào đó chỉ cần làm tốt công việc của mình.
Chọn Mourinho chỉ là một sai lầm nối tiếp những sai lầm của Man.United. Bởi cũng như chính CLB này, bản thân Mourinho cũng là “tù nhân của vinh quang”. Ông không thay đổi được Man.United chính vì không tự thay đổi được chính mình. Man.United nôn nóng bao nhiêu thì một Mourinho hãnh tiến cũng điên dại đến như vậy khi phải sống trong áp lực “hậu Sir Alex”. Càng không chấp nhận thất bại, họ chỉ làm cho chuỗi ngày tồi tệ dài thêm.
Giá như mà Man.United có thể làm như mấy chục năm trước: thay đổi thật nhanh ngay khi mọi thứ chỉ mới bắt đầu tồi tệ.