Chạy bộ nói chung hay marathon nói riêng không phải là một môn thể thao khó chinh phục hay quá kén chọn người chơi. Với cuộc sống hiện đại, nhu cầu tập luyện thể thao và rèn luyện sức khỏe của mọi người ngày càng nhiều, không khó để bắt gặp hình ảnh những người tham gia tập luyện chạy marathon tại các công viên, vỉa hè dọc các tuyến đường vào buổi sáng sớm hay chiều tối.
Chị Trần Thị Kim Cương (ngụ tại TPHCM) chia sẻ: “Sau những giờ làm việc căng thẳng, tôi và các đồng nghiệp cùng nhau “xỏ giày” và xuất phát. Bắt đầu là 1km, dần đà luyện tập mà nay tôi có thể chạy đến 10km trong một lần tập. Những cự ly dài đặt ra nhiều thử thách cho bản thân, nhưng nỗ lực vượt qua nó, từ đó sẽ tự tin hơn trong việc chinh phục những cột mốc cao ngoài cuộc sống”.
Khi đã quá quen với nơi phố thị đông đúc, một số người lại tìm đến loại hình chạy địa hình băng rừng, vượt núi để được hòa mình với thiên nhiên và khám phá giới hạn của bản thân.
Chị Phương Nguyễn (ngụ tại Hà Nội) cho hay: “Ban đầu tôi tập phong trào chạy 5km, 10km cùng nhóm bạn rồi tham gia các giải marathon trong thành phố. Sau đó, cả nhóm lại muốn thử thách bản thân nhiều hơn, rủ nhau lên núi tập chạy và tham gia các giải chạy địa hình đường mòn, đường núi. Tập rồi mới biết bản thân mê cái không khí trong lành, mát mẻ và khung cảnh núi rừng hùng vĩ bao nhiêu. Mỗi buổi tập chạy trên núi với tôi như một phần thưởng của cuộc sống”.
Càng gian nan, càng…hấp dẫn
Nắm bắt trào lưu của cộng đồng, hàng loạt giải chạy marathon lớn nhỏ liên tục diễn ra từ vùng đồng bằng đến nơi núi cao, hải đảo đã tạo thêm động lực cho những người tham gia chạy bộ. Không ít thử thách được đặt ra cho các chân chạy trên những cung đường, cự ly khác nhau. Đó là các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km ở đường phố, hay là 70km, 100km đường núi…xếp theo thứ tự từ dễ đến khó để những “chân chạy” đều có thể tham gia và thử thách bản thân.
Tuy nhiên, nếu nhắc đến chạy marathon địa hình thì đây không phải cuộc đua dành cho người thiếu sự chuẩn bị. Bởi ngoài việc được trải nghiệm cung đường thi đấu tuyệt đẹp, hòa mình cùng thiên nhiên thì các chân chạy phải đối mặt với vô vàn thử thách. Đơn cử như ở giải chạy địa hình nổi tiếng Vietnam Mountain Marathon (VMM) vừa diễn ra hồi đầu tháng 9 tại Sa Pa, ngoài các cự ly quen thuộc: 10km, 15km, 21km, 42km, 70km, 100km, lần đầu tiên giải đưa vào thi đấu cự ly chạy siêu khủng lên tới 100 dặm (tương đương 160km).
Hay đó là Quang Trần, nhà vô địch đầu tiên cự ly “siêu khủng” 100 dặm tại VMM với thời gian là 23 giờ 19 phút cũng có thời gian dài tập luyện và thi đấu ở nhiều giải chạy marathon (42,195km), siêu marathon 70km, 100km. Để chuẩn bị cho VMM 2022, anh còn tham dự giải chạy 116km Mantra Summit Challenge tại Indonesia hồi đầu tháng 7.
Có lẽ những nguy hiểm và thử thách tột đỉnh cũng là yếu tố tạo ra sức hút đối với các VĐV ưa thích mạo hiểm so với các tuyến chạy trên đường. Ở chặng 100 dặm, các tuyển thủ phải hoàn thành cuộc đua trong vòng 44 tiếng (tức là chạy liên tục gần 2 ngày 2 đêm) trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
Mưa lớn tại Sa Pa trong nhiều ngày khiến đường chạy rất trơn và lầy lội, chưa kể phần lớn đường đua còn là núi cao, bùn lầy, suối nước...cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Việc ngâm chân trong nước khá lâu còn làm trầy da, phồng rộp bàn chân và ngón chân của các tuyển thủ. Thế nên, trong số 178 VĐV đăng ký thi 100 dặm và 327 VĐV thi 100km, chỉ có 185 VĐV hoàn thành 2 cự ly dài nhất này.