Từ kỳ tích của Tiến Minh

Lần thứ ba liên tiếp, Nguyễn Tiến Minh được chọn tham dự Olympic, cũng đồng nghĩa đã trở thành VĐV Việt Nam duy nhất tính đến nay bước qua cửa chính để đến với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Quá khứ chưa từng xảy ra điều tương tự, nên mới cho rằng đấy là chuyện hy hữu, hoặc coi như kỳ tích của tay vợt cầu lông người TPHCM cũng được.

Trước đây, VĐV nước ta dự Thế vận hội bằng những suất ưu tiên từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), được xếp vào diện “hỗ trợ những nền thể thao kém phát triển”. Giờ thì khác, nhiều VĐV giành được vé vì thể thao Việt Nam cũng tiến bộ đáng kể và cũng thật vẻ vang sau hơn 20 năm hội nhập trở lại với đấu trường khu vực và thế giới.

Song, thành công được như những gì mà Nguyễn Tiến Minh theo đuổi suốt nhiều năm ròng thật chẳng dễ. Thứ nhất, cầu lông là môn thể thao cá nhân khó đạt đến thứ hạng hàng đầu thế giới, vì Việt Nam vốn không mạnh môn này, đồng thời ở Đông Nam Á, có đến hai cường quốc là Indonesia và Malaysia nhiều năm thống trị đỉnh cao thế giới. Thứ nhì, ở Việt Nam lâu nay, bóng đá mới là môn được ưu ái số 1, tiền nhiều mà biện pháp kích cầu cũng lắm, cầu lông vì thế còn xếp hàng dài phía sau chờ đầu tư.

Từ kỳ tích của Tiến Minh ảnh 1

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh lập kỳ tích với lần thứ ba tham dự Olympic (Ảnh: DŨNG PHƯƠNG)

Thế nhưng, sự đột phá trong cách làm của cầu lông TPHCM cụ thể với trường hợp Nguyễn Tiến Minh đã thay đổi hoàn toàn quan niệm cũ. Đấy là một cuộc đầu tư quyết liệt, có sự trợ giúp của bộ môn, Liên đoàn Cầu lông TPHCM, Liên đoàn Cầu lông quốc gia và từ chính gia đình của tay vợt này nữa. Nguồn sức mạnh tổng hợp đó đã tạo nên một Nguyễn Tiến Minh huyền thoại, liên tiếp gặt hái thành công và khẳng định được thương hiệu cá nhân cũng như nâng dần vị thế cho danh tiếng của cầu lông Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Hơn một thập kỷ qua, Tiến Minh đã chiến đấu để giữ uy tín cho cầu lông Việt Nam và cho dù thành tích cao nhất trong sự nghiệp của anh chỉ là xếp hạng ba đơn nam thế giới, thì di sản đó về sau cũng khó mà tìm được người kế thừa. Chính tay vợt từng nằm trong tốp 5 thế giới thường xuyên trăn trở khi ngoái lại nhìn khoảng trống sau lưng mình.

Cuối năm nay, xa lắm là năm tới, Tiến Minh cho biết, sẽ dừng bước phiêu lưu. Đến lúc đó, nỗi lo bấy lâu sẽ thành hiện thực. Tiến Minh có thể sẽ làm huấn luyện và mong mỏi rằng cầu lông Việt Nam sẽ sớm có một Học viện để đào tạo VĐV trẻ, bài bản và chuyên nghiệp như cách mà Thái Lan đang rất thành công với tay vợt nữ số 1 thế giới Ratchanok Intanon - người từng sang Việt Nam thi đấu và vô địch nội dung đơn nữ ở giải Vietnam Challenge 2009 khi mới 14 tuổi.

Bà Huỳnh Ngọc Liên - người theo sát sự nghiệp của anh từ trường năng khiếu từng than thở: "Tiến Minh là tấm gương sáng của cầu lông Việt Nam, nhưng đáng tiếc không một ai theo con đường của cậu ấy. Có lẽ 100 năm nữa ở làng cầu lông Việt Nam cũng chẳng có ai thay thế, hoặc làm được như cậu ấy. Có ba nguyên nhân khiến cầu lông Việt Nam chưa thể đột phá. Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV giỏi về lâu dài nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Thứ nhì, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục để rồi nhiều tay vợt dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng. Cuối cùng, chúng ta không thiếu tài năng nhưng rất ít tay vợt trẻ Việt Nam được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn”.

Bản thân Tiến Minh cũng thừa nhận đánh giá của bà Liên đã phản ánh thực tế về nền tảng, cách thức đầu tư, phát triển của cầu lông Việt Nam. Vì vậy, từ kỳ tích lần thứ ba liên tiếp giành vé dự Olympic của Nguyễn Tiến Minh, giới làm nghề mừng thì ít mà lo thì nhiều…

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá trong nước

U23 Việt Nam gặp U23 Kyrgyzstan ở vòng 3 Doha Cup 2023

Sau khi kết thúc hai vòng đầu tiên, Ban tổ chức giải đã tổng hợp thành tích của 10 đội tham dự giải, qua đó xếp lịch thi đấu ở vòng 3, vòng đấu mang tính chất xếp hạng chung cuộc. Đối thủ của các cầu thủ U23 Việt Nam ở vòng đấu cuối cùng này là đội U23 Kyrgyzstan .

Bóng đá quốc tế

Italia và nỗi đau sau ánh hào quang

Serie A đang chơi thành công ở đấu trường Champions League và Europa League. Mới 2 năm trước, đội tuyển Italia còn lên đỉnh châu Âu. Nhưng trận thua tuyển Anh lần đầu tiên trên sân nhà sau 62 năm cũng như là thất bại đầu tiên trước Tam sư kể từ năm 1977 ở các trận đấu chính thức, đã cho thấy Azzuri đang vụn vỡ với ánh hào quang của mình.

Quần vợt

Miami Open: Jelena Ostapenko chỉ trích đám đông khán giả, cảm giác như ở trong một trận đấu bóng đá

Chật vật đánh bại Beatriz Haddad Maia (Brazil, hạng 14 WTA), Cựu vô địch Roland Garros - cô Jelena Ostapenko (Latvia, hiện xếp hạng 22 thế giới) đã giành quyền vào chơi ở vòng đấu thứ 4 giải đơn nữ của Miami Open - Miami Masters 2023. Như vậy nghĩa là, cô sẽ đối đầu với Martina Trevisan (Italia, hạng 24 WTA) ở vòng đấu dành cho 16 “mỹ nhân” mạnh nhất.