Những vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương lần lượt thuộc về TPHCM, Bình Dương, Bình Định, Hà Nội, Bình Phước… Đó là kết quả đầu tư từ các địa phương cùng sự trở lại của một vài đơn vị.
Điểm mới của sân chơi năm nay là Liên đoàn Cờ Việt Nam đưa thêm nội dung đôi nam - nữ vào chương trình thi đấu, tuy nhiên do đây là lần đầu tiên nên chỉ có 5 đội tham gia. Theo nhận định của một số nhà chuyên môn, phong độ của đương kim vô địch quốc gia 2017 Đặng Hữu Trang (Bình Phước) có phần sa sút, trong lúc kỳ thủ số 1 Lại Lý Huynh (Bình Dương) chỉ về nhì cờ tiêu chuẩn, kém Võ Minh Nhất (Bình Phước) 0,5 điểm. Đội nữ TPHCM vẫn chiếm ưu thế với Nguyễn Hoàng Yến, Đàm Thị Thùy Dung, Cao Phương Thanh. Sau khi nghỉ sinh con, Ngô Lan Hương (TPHCM, 10 lần vô địch quốc gia) tái xuất cùng với sự “lên tay” của kỳ thủ trẻ Trần Huỳnh Thiên Kim đã tăng cường thêm sức mạnh cho tuyển nữ TP. Trong lúc đó, đội nam TPHCM tuy không có cá nhân đoạt HCV, nhưng nhờ lực lượng đồng đều nên vẫn vô địch cờ tiêu chuẩn và cờ chớp. Với sự đầu quân của Hà Văn Tiến từ Bộ Công an, Cần Thơ nằm trong tốp dẫn đầu cờ tiêu chuẩn đến ván thứ 6, nhưng lại thất bại trong giai đoạn nước rút nên bị hất văng ra khỏi nhóm giành huy chương, dù vậy đây vẫn là lực lượng đáng gờm ở các giải sắp tới.
Theo kế hoạch, đội dự tuyển quốc gia sẽ tập huấn từ đầu tháng 7 để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm nay như: Vô địch thế giới (Philippines, tháng 9), Vô địch cá nhân châu Á (Campuchia, tháng 11), Đại hội thể thao trí tuệ đỉnh cao… Đặc biệt, nếu giải Vô địch trẻ cờ tướng thế giới lần 1-2016 diễn ra ở Đức (Việt Nam đoạt 3 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ) thì năm nay Malaysia đăng cai tổ chức trong tháng 6 này, nhưng lại thêm vào chữ open (mở rộng). Theo HLV Hoàng Đình Hồng, điều này có thể gây khó khăn về kinh phí trong kế hoạch đưa các kỳ thủ trẻ cọ xát, trao đổi kinh nghiệm, bởi so với cờ vua thì các giải trẻ cờ tướng vẫn còn khiêm tốn; vì thế rất mong ngành TDTT quan tâm hỗ trợ.