Trên một chương trình truyền hình, thay vì nói về mong muốn của mình về bóng đá Việt Nam, cựu tuyển thủ Lê Quốc Vượng, người đã từ bỏ bóng đá sau vụ án tiêu cực tại SEA Games cười buồn nói rằng: “Nếu gọi là ước mơ, có lẽ em chỉ muốn nhìn thấy những người làm báo các anh được viết về cầu thủ tụi em ở Asian Cup, ở Asiad chứ không phải năm nào cũng gặp nhau tại SEA Games, AFF rồi về”.
Ngẫm thấy vừa đúng, vừa buồn cho cánh phóng viên thể thao.
Mỗi năm, đều đặn từ 2-3 lần, VFF vẫn tổ chức những buổi gặp gỡ thân tình với báo giới. Tình cảm thì rất quý nhưng nói thật là cuộc gặp nào cũng như cuộc gặp nào, nội dung cũng loanh quanh các tồn tại của bóng đá Việt. Có phóng viên hỏi thẳng: Nhiều độc giả không muốn đọc báo, xem tin vì thấy giới truyền thông chỉ nói mặt tiêu cực. Nhưng liệu VFF có thể làm gì để cánh phóng viên thể thao có nhiều thứ hay hơn để viết?!

Một buổi gặp gỡ định kỳ giữa VPF với giới truyền thông. Ảnh: Quang Thắng
Với những anh em có thâm niên trong nghề, cứ đến mỗi kỳ SEA Games hay AFF Cup đều …sợ. Công việc thì vẫn phải đi làm nhưng thực tế là ở mỗi kỳ giải như vậy, ngoài 1-2 trận đấu có tính chất quan trọng hoặc gặp "kình địch" Thái Lan thì còn có nhiều điều để viết, đa số thời gian là… rảnh rỗi khi gặp những trận đấu chênh lệch đẳng cấp lớn, bàn chuyên môn cũng không xong mà nói chuyện hậu trường cũng cạn đề tài. Mọi thứ sẽ khác nếu các đội tuyển Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các sân chơi châu lục. Ở đó, mỗi trận đấu là cuộc so tài, đấu trí thực thụ với những đối thủ xa lạ mà độc giả cần những thông tin, dự báo càng chính xác càng tốt. Giới làm nghề cũng tha hồ mà “moi”, ‘truy” thông tin "độc” lạ để đưa lên mặt báo, internet.
Làm báo thể thao cũng như nghề báo nói chung, viết cho độc giả là mục tiêu tối thượng. Một khi độc giả đã quá quen với những trận đấu cấp khu vực mà đội tuyển hay CLB Việt Nam vẫn hay tham gia thì nhu cầu thông tin không còn nữa.
Ấy là nói chuyện các đội bóng, với cầu thủ Việt Nam cũng vậy. Không giống như giới showbiz, sự kín tiếng hoặc cần một đời sống trầm lặng của cầu thủ Việt là một thực tế không hẳn là vui. Một scandal đối với nghệ sĩ đôi khi được cố ý thực hiện nhưng với giới cầu thủ, scandal đem lại cho họ sự rắc rối, khả năng bị CLB cắt hợp đồng hiển hiện. Họ không hề muốn được báo chí viết quá nhiều bởi trở thành một ngôi sao truyền thông tại bóng đá Việt gần như… chẳng để làm gì. Nó không đem lại tiền thưởng, lương không tăng, chi phí chuyển nhượng có khi cũng còn giảm vì nhiều CLB “sợ” có “những ông sao” trong đội hình quản lý thêm mệt mỏi. Điều này chỉ tồn tại trong bóng đá nghiệp dư như ở Việt Nam, trong khi nếu nền bóng đá chuyên nghiệp thì danh tiếng có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cho cầu thủ.
Thế nên không biết là giới phóng viên thể thao hay nền bóng đá Việt kém may mắn khi hơn 90% không gian báo, hình đều dành ưu tiên cho bóng đá, nhưng khi người làm báo và làm bóng đá ngồi lại với nhau thì vẫn chỉ loanh quanh những câu chuyện trong ao làng.
Việt Long
|