Trước Tết Nguyên đán, làng cầu nội địa xôn xao chuyện tiền đạo Omar của đội FLC Thanh Hóa bị treo giò 8 trận, trong khi tiền đạo Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội lại không bị kỷ luật dù cũng có pha vào bóng thô bạo với một cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai. Cả 2 tình huống đều được xem xét dựa trên băng ghi hình nhưng cho ra 2 kết quả khác nhau, gây bức xúc từ dư luận.
Sau tết, từ 8 trận thì tiền đạo Omar chỉ còn treo giò 6 trận, trong khi Samson lại chịu án kỷ luật 2 trận treo giò. Việc thay đổi mức kỷ luật không có gì đáng nói bởi các cơ quan ra quyết định khác nhau, có phản ứng từ những bên liên quan đề nghị xem xét lại. Điều đáng nói là trong 2 sự việc cụ thể này, cách đánh giá của các bên lại có độ “vênh” quá lớn đối với những hành vi mà về nguyên tắc là phải loại bỏ khỏi đời sống bóng đá nói riêng, thể thao nói chung. Hành động của Omar là xúc phạm khán giả, còn của Samson là bạo lực, đều không được phép tồn tại.
Trong các quy định kỷ luật của FIFA, 2 hành vi nói trên đều đạt đến khung hình phạt cao nhất và có xu hướng bị tăng dần qua từng cấp xử lý. Đằng này, trong khi Samson phải nhận cái mà anh ta đáng nhận vì lỗi bạo lực thì Omar lại được giảm án với hành động thậm chí còn có thể bị loại khỏi giải đấu khi thuộc về khía cạnh đạo đức, tiêu chí tối thượng của thể thao. Một lỗi có thể là do vô ý, còn lỗi kia thì hoàn toàn chủ động. Nếu tăng một bên thì bên kia càng phải tăng thêm mới đúng.
![]() |
Những hành động làm vấy bẩn hình ảnh bóng đá cần phải trừng trị nghiêm khắc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đây không phải là lần đầu xảy ra chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” với cách xử lý theo kiểu chiều ý dư luận của LĐBĐ Việt Nam (VFF). Nhiều lần, dư luận và kể cả nhà quản lý ngành cũng đã “chịu không nổi” cách xử lý cảm tính và nặng về khiển trách của Ban kỷ luật VFF về các hành động bạo lực của cầu thủ trên sân cỏ, cách hành xử thiếu văn hóa của lãnh đạo CLB…
Thế cho nên, đặt trong bối cảnh mà từ Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho đến người đứng đầu ngành thể thao là Tổng cục trưởng vừa đưa ra yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, giáo dục tư tưởng, loại bỏ hành vi xấu ra khỏi thể thao đỉnh cao nói chung và bóng đá nói riêng, thì cách giải quyết của VFF đã phô bày thực trạng đáng buồn: ngay cả với những cái xấu cần bị trừng phạt thì các bộ phận trong cùng một cơ quan quản lý còn chưa thống nhất với nhau, nói gì đến chuyện đoàn kết để đưa bóng đá Việt Nam phát triển.
Giải pháp nào để thực hiện điều khó khăn này? Thực ra, không quá khó để tìm kiếm. Bên cạnh những ý kiến chỉ đạo, Bộ VH-TT-DL cũng như Tổng cục TDTT cần có thêm hành động mạnh mẽ để chấn chỉnh nền bóng đá đang ngày càng trở nên mâu thuẫn như hiện nay, đặc biệt là cơ quan điều hành VFF, VPF. Điều cần thiết vẫn là loại bỏ những cá nhân gây mất đoàn kết trong nội bộ, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp, yêu cầu xây dựng hệ thống chế tài để áp dụng cho các trường hợp vi phạm hoặc làm vấy bẩn hình ảnh của bóng đá, của thể thao nói chung…
VIỆT QUANG