Mô hình chuyên nghiệp
“Việc ban chấp hành Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao Việt Nam nhiệm kỳ 7 (2022-2027) sẽ làm việc để tính tới phương án trong tương lai tách và thành lập riêng Liên đoàn xe đạp Việt Nam, Liên đoàn mô tô thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ cần bàn thảo kỹ và đây là xu thế của mô hình chuyên nghiệp như thế giới. Các môn thể thao là phải có Liên đoàn, Hiệp hội riêng biệt chứ không gộp lại như một số Liên đoàn thể thao của chúng ta hiện nay”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đưa chia sẻ với những nhà quản lý của Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao Việt Nam nhiệm kỳ 7 tại Đại hội nhiệm kỳ tổ chức ngày 20-11.
Chia sẻ kỹ hơn, đại diện Bộ Nội vụ là khách mời dự Đại hội nhiệm kỳ 7 của Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao Việt Nam đã cho biết việc tách Liên đoàn hiện tại thành 2 Liên đoàn của từng môn độc lập là phải đúng thủ tục và quy trình, quy định của pháp luật. Khi hoàn thiện hồ sơ và đề xuất từ Liên đoàn hiện tại tới cấp quản lý Bộ Nội vụ thì sẽ được xem xét và việc thực hiện sẽ phải xin thành lập lại Liên đoàn xe đạp Việt Nam và Liên đoàn mô tô thể thao Việt Nam đúng với quy định. Vấn đề này cần thời gian, hồ sơ đầy đủ.
Đây là năm thứ 30, Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao Việt Nam được hình thành, phát triển (1992-2022). Nhà quản lý qua nhiều thời kỳ luôn vạch ra các mục tiêu phát triển tốt nhất cho tổ chức xã hội của mình. Trong xu thế phát triển, Liên đoàn của mỗi môn thể thao được đứng độc lập và tham gia nhiều hơn vào công tác phát triển chuyên môn cho môn thể thao là điều mà Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT đang kỳ vọng.
Làm thế nào để chuyên nghiệp hơn
Phong trào dành cho tập luyện xe đạp cũng như thi đấu thành tích cao xe đạp đang phát triển tốt ở Việt Nam. Cũng như vậy, nhu cầu muốn thưởng thức các giải đua xe phân khối lớn của mô tô thể thao là rất lớn ở chúng ta. Trong thành phần ban chấp hành Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao nhiệm kỳ 7 có không ít đại diện tới từ công ty tổ chức sự kiện đua xe phân khối lớn hay từ các Liên đoàn, Hiệp hội xe đạp địa phương mà tại đó người đạp xe phong trào đang nở rộ, phát triển. Tất cả cùng kỳ vọng, phong trào nhưng mang một ý thức chuyên nghiệp, không ảnh hưởng tới quy định về giao thông, pháp luật sẽ có hình ảnh đẹp ở làng xe đạp trong nước.
Làm thế nào, Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao Việt Nam cùng Tổng cục TDTT phải tổ chức được nhiều giải đấu, có được giải quốc tế trong nước thì mới nâng cao hơn chuyên môn và kéo khán giả đông hơn nữa cổ vũ cho các cua-rơ hay VĐV đua xe phân khối lớn là điều nhiều đại biểu của Đại hội Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao Việt Nam nhiệm kỳ 7 quan tâm. Thực tế, yếu tố then chốt là nguồn lực phải mạnh.
Hàng năm, Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao Việt Nam có nguồn thu trong khoảng 500 tới trên dưới 600 triệu đồng và đó là tiền chủ yếu từ thu lệ phí thi đấu xe đạp, mô tô và làm thẻ VĐV. Tức là, nguồn tài trợ gần như chưa có hoặc nếu có là rất ít, chủ yếu ở sản phẩm. Bài toán phải tăng cường tìm thêm nguồn xã hội hóa đồng hành với Liên đoàn ở nhiệm kỳ mới được đặt ra.
Bài toán nâng cao tài trình độ trọng tài được yêu cầu phải thực hiện. 30 năm hình thành và phát triển của Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao lại hiển hiện thực tế buồn là chúng ta chưa có trọng tài cấp quốc tế nào. “Chúng tôi yêu cầu việc này không thể để lâu. Xe đạp dứt khoát phải có trọng tài quốc tế. Liên đoàn và bộ phận chuyên môn cần đề xuất cá nhân ai đó, khi có lớp học quốc tế là chúng tôi cử đi ngay. Chúng ta phải có những con người ở đấu trường quốc tế thì xe đạp Việt Nam mới có được thêm sự uy tín...”, ông Phấn nói thêm.