Đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL sẽ có 15 ngày để xem xét lại bản hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG. Trước khi chờ kết luận thanh tra, VPF và các thành viên ở những giải đấu phải tuân thủ đúng hợp đồng. Hôm qua, đài VTC đã phải làm công văn để thỏa thuận với AVG cho kế hoạch truyền hình trực tiếp tại vòng 3.
Cách đây 2 ngày, CLB Khánh Hòa đã có văn bản phản ảnh trận đấu giữa họ và Ninh Bình dù được thông báo là có truyền hình trực tiếp nhưng lại không có, gây bức xúc cho người hâm mộ. Đã có nhiều ý kiến phản ảnh chất lượng truyền hình một số trận quá kém.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại AVG không đủ khả năng sản xuất tất cả các trận đấu theo một tiêu chuẩn đồng nhất. Cách làm của họ hiện nay khá đơn giản: cho phép các đài truyền hình địa phương vào ghi hình miễn phí, đổi lại phải truyền sóng sạch cho AVG để chuyển cho những đài trung ương có nhu cầu.
Chính xác hơn, AVG hiện chỉ mới đủ năng lực sản xuất 2-3 trận mỗi vòng đấu bằng phương tiện của mình. Như vậy, chưa biết đến bao giờ AVG mới đủ điều kiện ghi hình và sản xuất các chương trình đủ tất cả các trận đấu.
Đây chính là lý do mà VPF phản đối hợp đồng ký đến 20 năm của VFF với AVG. Theo quan điểm của VPF thì VFF đã ký hợp đồng mà không xem xét năng lực của đối tác cũng như không ràng buộc với AVG về chất lượng cũng như số lượng các trận đấu được truyền hình, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các CLB.
Đó là chưa nói, AVG chỉ mới được cấp phép trở thành đài truyền hình cách đây 1 năm và chưa thể đánh giá sự phát triển của họ trong tương lai. Trong khi đó, các đối tác của VPF như VTV và VTC hẳn nhiên đã được thừa nhận về năng lực.
20 năm là quãng thời gian rất dài đối với một hợp đồng kinh tế. Dù AVG có cam kết trích 20% doanh thu quảng cáo, 30% lợi nhuận và lũy tiến giá trị hợp đồng 10% mỗi năm nhưng nếu như đài AVG không lớn mạnh như họ dự tính thì những con số đó cũng chỉ để tham khảo, không mang tính thực tế.
Như vậy, phải chăng giá trị của bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào sự phát triển của AVG và không thể biết chắc chắn điều gì ngoài số tiền hơn 6 tỷ đồng/năm chưa bao gồm trượt giá và lạm phát.
Những đòi hỏi của VPF hoàn toàn có cơ sở bởi bản quyền truyền hình là quyền lợi của các CLB cũng như là một phần động lực để bóng đá Việt Nam phát triển hơn. Các trận đấu càng được quảng bá rộng thì chất lượng thi đấu, tính trung thực cũng sẽ tăng lên. Đang quản lý các giải đấu nhưng lại không nắm được quyền truyền hình thì VPF cũng khó có động lực để thúc đẩy chất lượng bóng đá Việt Nam tốt hơn.
Việt Quang