Có… rất nhiều Ánh Viên
Điều thú vị ở Giải bơi lội vô địch quốc gia hồ 25m năm 2021 vừa kết thúc chưa lâu ở Thừa Thiên - Huế chính là câu chuyện kình ngư 16 tuổi Phạm Thị Vân tiếp tục vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên để giành HCV về cho đoàn Thanh Hóa. Đây đã là lần thứ 2, cô gái trẻ xứ Thanh thắng Ánh Viên ở chung kết cự ly bơi tốc độ 50m ếch (năm ngoái, Vân thắng Ánh Viên ở cự ly 50m bơi bướm). Chưa kể, suýt chút nữa nữ VĐV này đã đánh bại được Ánh Viên ở chính cự ly bơi sở trường 100m ếch nữ, chỉ chịu về nhì và kém chưa đầy 2% giây ở đợt bơi chung kết.
Năm ngoái, một kình ngư trẻ khác là Nguyễn Thị Phương Anh (16 tuổi) của đội tuyển bơi lội TPHCM cũng đã gây bất ngờ khi thắng Ánh Viên ở cự ly 50m ếch, làm dậy sóng sân chơi quốc gia. Ngay cả khi ai cũng biết sở trường của Ánh Viên không hẳn là các cự ly bơi tốc độ, thì điều mà Phạm Thị Vân hay Phương Anh làm được cũng khơi dậy cho giới làm nghề một niềm tin về tương lai của bơi lội nữ nước nhà.
Đấy là điều đáng mừng. Nên nhớ Ánh Viên là huyền thoại sống không chỉ của bơi lội, mà còn của cả làng thể thao Việt Nam. Nữ kình ngư người Cần Thơ đã gia nhập “ngôi đền huyền thoại” của đấu trường bơi lội Đông Nam Á, sau 2 lần đại hội liên tiếp đoạt được danh hiệu “Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games” vào các năm 2017 và 2019.
Mà không chỉ Phương Anh hay Phạm Thị Vân, hiện còn có những nữ kình ngư xuất sắc khác sẵn sàng tạo nên các “cơn lốc” ở đường đua xanh, như Võ Thị Mỹ Tiên (Long An), Nguyễn Diệp Phương Trâm (TPHCM) và kể cả cô bạn đồng môn Lê Mỹ Thảo (25 tuổi), người cũng từng đánh bại Ánh Viên ở các cự ly bơi bướm ở giải vô địch quốc gia năm ngoái.
Càng có thêm nhiều Ánh Viên xuất hiện, đội tuyển bơi lội nữ càng mừng, bởi lẽ sẽ sớm có người san sẻ trách nhiệm tranh đoạt huy chương cùng cô khi bước ra đấu trường quốc tế, gần nhất là SEA Games 31 được tổ chức ngay tại Việt Nam. Còn xa, dĩ nhiên vẫn là cái đích đoạt HCV ở Asiad, gây tiếng vang ở Olympic, các sân chơi mà bơi lội Việt Nam luôn nhen nhóm trong lòng một khát vọng chiến thắng lớn lao.
Động lực cho cả nền bơi lội
Đối với Ánh Viên, bơi là đang tồn tại và cũng tức là đang thể hiện ý chí, khát vọng ở lĩnh vực mà cô giỏi nhất. Thậm chí, cô đã được giới trẻ Việt Nam xem là thần tượng, là hình mẫu để học hỏi, vì sau cả chuỗi thành công vượt ngoài trông đợi của nhiều người, cô vẫn luôn khiêm tốn nhận mình “còn khiếm khuyết phải chỉnh sửa, phải nỗ lực hơn nữa để thắng được bản thân”.
Năm 2020, khi cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gồng mình chống lại “cơn bão” dịch Covid-19, hàng loạt sự kiện thể thao lớn bị ngưng trệ, thì tín hiệu vui ở môn bơi lội đã trở thành điểm nhấn quan trọng (cùng với bóng đá) khiến giới chức Tổng cục TDTT mừng rỡ. Ranh giới giữa Ánh Viên và “phần còn lại” của làng bơi lội nữ đã được phá bỏ, chính thức biến thành một cuộc chạy đua không hồi kết giữa cô với các thế hệ sau mình.
Thời điểm đồng nghiệp Lê Mỹ Thảo thắng được Ánh Viên ở cự ly bơi bướm (Giải vô địch quốc gia 2020), HLV Phan Quan Minh Quân đã giải thích rằng: “Nói thật thì Mỹ Thảo vẫn có thể duy trì, thậm chí phát triển hơn nữa trong 2-4 năm, vì Mỹ Thảo khi mới tập luyện cũng như Ánh Viên, ở tuổi khá trễ, ở tuổi 13-14. Khi VĐV bắt đầu muộn mà có tài thì “tuổi thọ” kéo rất dài. Mỹ Thảo thuộc diện có năng khiếu đặc biệt. Thể trạng của Mỹ Thảo rất tốt so với nữ và ưu điểm lớn nhất chính là tính kiên trì trong tập luyện. Tôi cũng từng tập cho Ánh Viên trong 2 năm ở giai đoạn đầu tập trung đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ nên hiểu rõ điều này”.
Dồn sức cho Ánh Viên đạt chuẩn Olympic
|