Lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam – Những điều chưa biết

Kỳ 5: Lễ trao giải – Màn biểu diễn độc đáo nhất

Chỉ riêng giải thưởng năm 2005 không tổ chức buổi lễ trao thưởng hoành tráng. Lý do thật dễ hiểu, vì tấm huy chương bạc SEA Games năm đó bị nhuộm bẩn bởi vụ án bán độ trong đội tuyển quốc gia ở trận Việt Nam – Myanmar (1-0).

Người hâm mộ ngao ngán, nhà tài trợ chán nản lần lượt rút lui. Thế nhưng, đến thời điểm ấy mới biết ai thật sự là bạn đồng hành của bóng đá Việt Nam. Đó chính là giải thưởng “Quả bóng vàng” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức và chính phóng viên của báo là người sáng lập. Họ kiên trì tìm tài trợ, áp dụng chiến thuật “liệu cơm gắp mắm”, gõ cửa từng nhà tài trợ (mà phần lớn là lắc đầu viện lý do hình ảnh bóng đá Việt Nam xấu quá sẽ làm mất hình ảnh của họ).

Với báo SGGP, việc tổ chức giải thưởng tôn vinh cá nhân bóng đá xuất sắc vừa xuất phát từ tình yêu bóng đá, vừa là tinh thần trách nhiệm. Vì không phải cầu thủ nào cũng xấu, cũng tiêu cực. Đa số họ là những người lao động chân chính bằng nghề nghiệp của mình, không ít người trong số đó là những hạt nhân rất tốt, mà trong đội tuyển nổi bật lên những cá nhân rất tốt như tiền vệ đội trưởng Phan Văn Tài Em là một điển hình.

Anh mạnh dạn đứng lên tố cáo tiêu cực, dù biết rằng sau đó bị cô lập, thậm chí thông tin tố cáo còn bị quan chức đội tuyển xem thường. Năm đó, chính anh là người bước lên bục nhận giải thưởng “Quả bóng vàmg Việt Nam”. Với tôi, anh còn có một quả bóng vàng khác - quả bóng của lòng trung thực, đạo đức nghề nghiệp.

Trở lại chuyện lễ trao giải. Năm 2005, Ban tổ chức phải tiến hành các buổi lễ trao giải lưu động, tức mang đến tận sân bóng địa phương của cầu thủ đoạt giải và trao trước trận đấu V-League. Tuy đơn giản, nhưng cách tổ chức này lại làm ấm lòng người hâm mộ, bởi họ trực tiếp chứng kiến giây phút đăng quang của con em, thần tượng của mình.

Còn lại 10 lần trao giải trước đều là những Gala hoành tráng, mà chắc chắn để lại ấn tượng mạnh nhất chính là hai lần trao giải tại Câu lạc bộ bơi lặn Phú Thọ (quận 11) và Nhà hát Bến Thành (quận 1).

Tại CLB bơi lặn Phú Thọ diễn ra lễ trao giải QBV 1997. Khung cảnh rực rỡ, lung linh dưới ánh đèn và màn nước trắng xóa của bể bơi được biến thành một sân khấu nước sinh động. Màn trình diễn nghệ thuật, kết hợp với màn chào khán giả của từng cầu thủ ứng viên, tay trong tay với từng người đẹp thể thao càng làm tăng lên sự tươi tắn, đường nét trẻ trung của màn trình diễn. Hơn 3.000 khán giả đã thích thú, hào hứng chứng kiến buổi lễ độc đáo nhất trong toàn bộ lịch sử lễ trao giải QBV Việt Nam.

Buổi lễ có màn khởi đầu hay nhất được dành cho năm 1999, khi ban tổ chức mời 3 danh hài Bảo Quốc, Hoàng Sơn, Việt Anh, mà họ cũng là những người yêu bóng đá cuồng nhiệt, 3 cầu thủ của đội bóng Nghệ sĩ thực hiện màn tấu hài, cùng 2 MC Hoa hậu Ngọc Khánh, phóng viên Xuân Quang (HTV) và đặc biệt là 200 diễn viên nghiệp dư của “xóm Hollywood” chuyên đi đóng các vai quần chúng, vào đúng vai những người hâm mộ đón mừng đội tuyển chiến thắng trở về.

Sân khấu Nhà hát Bến Thành năm đó thật vui, nhưng cũng thật hào hùng tinh thần bóng đá khi người xem được chứng kiến những đoạn phim tư liệu về bóng đá Sài Gòn xưa do HTV cung cấp.

Có thể nói, dù trải qua bao thăng trầm, dù gặp nhiều khó khăn trong kinh phí tổ chức, nhưng Báo SGGP, Ban tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng luôn mong muốn mang đến cho bóng đá Việt Nam những gì tốt đẹp nhất của cuộc thi, những buổi lễ trao thưởng đầy ý nghĩa, mà “Quả bóng vàng 2006” cũng thế.

MINH HÙNG

Thông tin liên quan

Kỳ 4: Trăn trở chuyện mấy quả bóng 

Kỳ 3: Vì sao “Vua đá phạt đền” trở thành “Vua bóng đá”?

Kỳ 2: Lý do Chiến thua Đang và việc chế tác các quả bóng giải thưởng 

Kỳ 1: Ý tưởng ban đầu

Tin cùng chuyên mục