Thể thao Việt Nam sẽ có giải pháp đột phá đầu tư

Năm Giáp Thìn 2024 đã tới, đây là giai đoạn bắt đầu của nhiều chiến lược, kế hoạch xây dựng, đầu tư dài hơi cho thể thao thành tích cao và hướng tới những sự đột phá nhằm có một lực lượng HLV, VĐV mạnh mẽ nhất.

Điền kinh là một trong những môn thể thao trọng điểm mà thể thao Việt Nam tập trung đầu tư. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Điền kinh là một trong những môn thể thao trọng điểm mà thể thao Việt Nam tập trung đầu tư. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

> Thể thao Việt Nam có 2 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Bộ VH-TT-DL tổ chức (diễn ra ngày 3-1), lĩnh vực thể thao là một trong những lĩnh vực được ngành đặc biệt quan tâm, đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm hướng tới đầu tư phát triển mạnh mẽ nhất. Theo báo cáo, trong năm 2023, “Bộ VH-TT-DL đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2023, tầm nhìn tới năm 2045. Ban hành 1 Thông tư; Xây dựng 7 Thông tư, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020. Đồng thời, hoàn thiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045”.

Từ đó để thấy, lĩnh vực thể thao có nhiều chiến lược, kế hoạch nhằm thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng HLV, VĐV thành tích cao trọng điểm mạnh mẽ nhất. Nhóm giải pháp đối với việc thực hiện hiệu quả Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045 là trọng tâm rất được quan tâm. Từng đấu trường như ASIAD và Olympic diễn ra theo chu kỳ 4 năm/lần. Không riêng Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều phải thực hiện kế hoạch, chiến lược xây dựng lực lượng nối tiếp nhau qua mỗi chu kỳ ấy thì mới có lực lượng HLV, VĐV chuyên môn tốt nhất.

Chúng ta sẽ thực hiện thế nào? Đó là bài toán cần lời giải. Giải pháp nào sẽ là sự đột phá? Điều đó cần thời gian thực hiện và cần thời gian để kiểm chứng (sau khi đưa vào thực hiện đủ thời gian).

img-6325-2597.jpg
Nguyễn Huy Hoàng là tuyển thủ bơi đã giành huy chương ở các kỳ ASIAD 18 và ASIAD 19. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tổng thể, mục tiêu ngành thể thao hướng tới theo báo cáo của Cục TDTT về định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 là “Olympic Paris (Pháp) 2024 phấn đấu giành từ 12 tới 15 suất chính thức. Tại Olympic Los Angeles (Mỹ) 2028 phấn đấu có trên 20 suất vượt qua vòng loại. Tại ASIAD 20 năm 2026, phấn đấu giành từ 5 tới 6 HCV. Tại ASIAD 21 năm 2030 chuẩn bị lực lượng có thể giành từ 7 tới 8 HCV.

Tại các kỳ SEA Games năm 2025, 2027, 2029 thì Việt Nam giữ vững vị trí trong tốp 3 toàn đoàn, tốp 2 đối với các môn thể thao Olympic. Tận dụng cơ hội thi đấu SEA Games để phát triển lực lượng chuẩn bị Olympic, ASIAD”.

Mục tiêu đề ra là đích nhắm để thực hiện. Như đề cập ở trên, chúng ta cần các giải pháp phù hợp và ngành thể thao có các phương án đầu tư cụ thể. Theo các chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh và Lâm Quang Thành thì yếu tố kiên quyết để làm nên sự thành công trong thể thao thành tích cao là không được đầu tư dàn trải, phải có sự đầu tư trọng điểm đúng con người, đúng nội dung thế mạnh mà mình dự báo được khả năng tranh huy chương tại Olympic, ASIAD.

Ở Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Cục TDTT (ngày 22-12-2023), Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cho biết hiện tại thể thao Việt Nam có khoảng 30 tuyển thủ trong các đội tuyển quốc gia là những người trọng điểm, được dự báo khả năng chuyên môn có thể tranh các suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024.

Ngay đầu năm mới Giáp Thìn 2024, khi tất cả trở lại làm việc, dự kiến ngành thể thao sẽ áp dụng chế độ nâng cao (chế độ đãi ngộ đặc biệt) dành cho nhóm VĐV trọng điểm của các đội thể thao quốc gia trọng tâm. Có thể hiểu, các tuyển thủ đó là những con người dành cho chương trình thi đấu vòng loại, thi đấu Olympic Paris (Pháp) 2024 trước mắt.

Xa hơn là sự chuẩn bị đối với ASIAD 20 năm 2026. Danh sách VĐV trọng điểm đã được xây dựng. Chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho họ là về dinh dưỡng, phục hồi chức năng sau luyện tập, có y bác sĩ chăm sóc trong quá trình tập luyện, có chuyên gia dinh dưỡng kiểm tra sát sao khẩu phần thực phẩm... Trên hết, VĐV trọng điểm được tập huấn, thi đấu quốc tế dài hạn.

Tin cùng chuyên mục