1. Tay súng trường hơi nữ tài năng Lê Thị Mộng Tuyền
Nổi bật trong nhóm xạ thủ nữ của đội tuyển bắn súng TPHCM ở thời điểm hiện tại phải kể đến Lê Thị Mộng Tuyền (sinh năm 2003) nội dung súng trường hơi. Xuất phát điểm từ phòng tập phong trào ở quận Gò Vấp, Mộng Tuyền đã sớm bộc lộ khả năng phát triển của mình để được tuyển chọn vào đội tuyển bắn súng TPHCM và triệu tập vào nhóm trọng điểm tập cùng chuyên gia Hàn Quốc từ năm 2019, sau đó là đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 31.
Tuyền gây được tiếng vang khi phá kỷ lục quốc gia với 624,1 điểm ở nội dung 10m súng trường hơi nữ tại giải vô địch bắn súng toàn quốc – Cúp Liên đoàn bắn súng Việt Nam năm 2020. Tiếp những giải sau đó, Mộng Tuyền liên tục phá kỷ lục quốc gia ở nội dung sở trường này.
Theo chia sẻ của HLV trưởng đội tuyển bắn súng TPHCM Hồ Thái Tâm, Lê Thị Mộng Tuyền có khả năng phát triển tốt, sức bật ở các thời điểm giải quyết định, dần thay thế lớp đàn chị để được đầu tư trọng điểm. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, nữ VĐV sinh năm 2003 đã góp sức vào thành tích 3/6 HCV mà đội tuyển bắn súng TPHCM đạt được. Tiếp đó, Tuyền cùng đội tuyển Việt Nam dự giải vô địch Đông Nam Á mở rộng 2022 và giành HCV sau khi chiến thắng đối thủ mạnh của Singapore.
2. Niềm hy vọng cầu lông nữ mang tên Vũ Thị Anh Thư
Vào năm 2019, tay vợt nữ sinh năm 2001 Vũ Thị Anh Thư gây xôn xao làng cầu lông trong nước khi giành chiến thắng trước VĐV người Ấn Độ nằm trong tốp 100 thế giới tại giải đấu diễn ra ở Maldives. Cái tên Anh Thư được tìm kiếm nhiều hơn và giới chuyên môn bắt đầu có những đánh giá tích cực về tay vợt trẻ này. Ở Thư cho thấy kỹ năng chuyên môn phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong những năm qua cho cầu lông TPHCM.
Anh Thư được kỳ vọng là gương mặt kế thừa tài năng của cầu lông TPHCM. Ảnh: NGUYỄN ANH |
Trong năm 2022, Vũ Thị Anh Thư gây tiếng vang bằng 2 ngôi vô địch quốc tế liên tiếp, đó là giải Croatia mở rộng 2022 và sau là giải Nouvelle-Aquitaine 2022 tại Pháp (cấp độ 4 -Future Series thuộc hệ thống giải của Liên đoàn cầu lông thế giới BWF).
3. Lớp kế thừa tài năng TDDC - Nguyễn Văn Khánh Phong
Ở tuổi đời còn khá trẻ 21 tuổi, Nguyễn Văn Khánh Phong được giới chuyên môn đánh giá sẽ trở thành niềm hi vọng ở nội dung vòng treo, mà người đàn anh Đặng Nam từng nhiều lần chiến thắng tại các giải đấu khu vực. Bén duyên với bộ môn từ năm 2008 sau khi được HLV Võ Đình Vinh của đội tuyển TPHCM tuyển chọn, Khánh Phong rời xa vòng tay gia đình để bắt đầu cuộc sống ăn tập chuyên nghiệp, hoàn thiện bản thân trước khi được thi đấu chính thức.
Khánh Phong đã có 15 năm khổ luyện cùng TDDC. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Vào năm 2018, Khánh Phong thi đấu ở Giải trẻ châu Á ở tuổi 16 và xuất sắc trở thành một trong 7 VĐV châu Á giành vé dự Olympic trẻ 2018 tại Argentina. Theo đánh giá của HLV Trương Minh Sang (đội tuyển TDDC quốc gia), Khánh Phong có bản lĩnh và tâm lý thi đấu rất tốt tại các giải lớn. Ở nam VĐV có sức trẻ, sự tự tin, chịu khó và chăm chỉ tập luyện. Nguyễn Văn Khánh Phong chính là lớp kế thừa tài năng của bộ môn TDDC Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.
4. Khổng Mỹ Phượng – Duyên nợ với cử tạ
Khi chỉ mới 12 tuổi, Khổng Mỹ Phượng đã lén gia đình đi tập và bắt đầu vào sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp. Qua thời gian, nữ VĐV sinh năm 1999 dần trưởng thành qua thời gian và được đánh giá là một trong những gương mặt chủ lực của cử tạ TPHCM ở thời điểm hiện tại.
Mỹ Phượng tạo ấn tượng tại các giải quốc gia và quốc tế ở hạng cân 45kg. Ảnh: NGUYỄN ANH |
Dù thi đấu cùng hạng cân 45kg với nhà vô địch Vương Thị Huyền, song cô gái TPHCM không nản lòng mà vẫn dồn hết tâm huyết vào các buổi tập và thi đấu để chính thức trở thành nhà vô địch ở Cúp thế giới năm 2020 nội dung cử giật.
Trước cuộc cạnh tranh với những đối thủ mạnh đến từ Philippines, Indonesia, Đài Bắc Trung Hoa, Ấn Độ, Arab Saudi tại giải Vô địch châu Á 2022, Khổng Mỹ Phượng vẫn bình tĩnh thi đấu và lập được thành tích cử giật 78kg, cử đẩy 88kg, tổng cử 166kg. Với kết quả này, Mỹ Phượng mang về 2 HCV cho đội tuyển cử tạ Việt Nam ở nội dung cử giật và tổng cử, 1 HCB ở nội dung cử đẩy.