Những chiếc vé chính thức dự Olympic 2012 và 2016 đã nâng tầm TDDC trở thành môn trọng điểm nhóm 1 của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển phong trào trong nước, TDDC không phải là môn có phong trào rộng khắp (nếu không muốn nói là rất hạn chế phát triển).
Quanh quẩn ở 4 đơn vị
Hiện tại, môn TDDC ở Việt Nam chỉ có 4 đơn vị trực tiếp xây dựng lực lượng và đào tạo VĐV, cụ thể gồm TPHCM, Hà Nội, Quân đội, Hải Phòng. Mới đây, TDDC tìm hướng phát triển thêm ở khu vực miền Tây Nam Bộ với điểm đầu tư Cần Thơ. Thực tế, 4 đơn vị kể trên vẫn mạnh nhất. Từ giải VĐQG cho tới Đại hội TDTT toàn quốc, khi môn TDDC thi đấu, người xem vẫn chỉ quen thuộc với những gương mặt quá thân thuộc từng nội dung của môn thể thao này. Xét một cách khách quan, cả nước có 63 tỉnh thành mà chỉ có số lượng ít ỏi đơn vị mặn mà làm TDDC, như vậy là rất đáng ngại.
Nhiều lý giải cho rằng, TDDC có đặc thù riêng nên không thể ép buộc các đơn vị, địa phương phải làm môn thể thao này. Còn nhớ trong Đại hội nhiệm kỳ 2012-2016 của liên đoàn thể dục Việt Nam, mục tiêu quan trọng được đề ra của giới chức quản lý là tiếp tục phát triển phong trào tập TDDC trên toàn quốc. Dù vậy, ai cũng thấy, đã qua 4 năm kể từ lần Đại hội trên, sự phát triển chưa rộng khắp.
![]() |
Rất khó tìm được những nhân tố như Phan Thị Hà Thanh tiếp theo trong tương lai. Ảnh: T.L
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh (từng là TTK Liên đoàn thể dục Việt Nam) không ít lần trăn trở đó là tìm được thêm địa phương đầu tư xây dựng lực lượng cho môn TDDC tại Việt Nam không dễ. Cái khó ngoài tài chính còn nằm ở tư duy phát triển nên ngoài đơn vị có truyền thống thì không ai mạo hiểm làm TDDC. Bây giờ, lãnh đạo bộ môn TDDC và Liên đoàn thể dục Việt Nam đã đầu tư thêm để phát triển lực lượng trẻ tại khu vực miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đặc thù của môn thể thao trên nằm ở tố chất con người nên tìm được những nhân tố có thể là những Đỗ Thị Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh tiếp theo trong tương lai vẫn rất khó.
Đầu tư phải thực chất
TDDC từ khi có Phan Thị Hà Thanh giành suất chính thức Olympic vào năm 2011 rồi thăng hoa ở các kỳ SEA Games 2011, 2015 đã thuộc nhóm được đầu tư số 1 của ngành TDTT. Trong đầu tư trên, mỗi năm, ngân sách từ Tổng cục TDTT chi phí cho môn TDDC hoạt động không dưới 200 ngàn USD. Thực tế cho thấy, đó là khoản kinh phí chính để lãnh đạo thể dục chi phí cho hoạt động từ tập huấn, thi đấu của HLV, VĐV môn TDDC.
Trông chờ vào đầu tư của Liên đoàn thể dục vẫn chưa thể. Năm 2012, khi liên đoàn thể dục Việt Nam Đại hội nhiệm kỳ mới, số tiền trong quỹ còn tồn lại từ năm trước chỉ gần… 16 triệu đồng (!?). TDDC có những suất Olympic chính thức nhưng về công tác vận động tài trợ, môn thể thao này chưa bao giờ có những mạnh thường quân bỏ ra hàng tỷ đồng hỗ trợ.
Còn nhớ, chỉ tính đến bộ dụng cụ tập luyện thi đấu, mãi tới năm 2013 sau nhiều lần mệt mỏi tìm đầu tư mới, TDDC mới được trang bị trong khoản chi phí 5 tỷ đồng. Nếu tính hiệu suất thành công trong thi đấu, những tuyển thủ như Trương Minh Sang, Đỗ Ngân Thương, Nguyễn Hà Thanh (trước đây) và bây giờ là Phạm Phước Hưng, Đặng Nam, Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành, Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Vân Anh… đạt được kết quả quốc tế chỉ qua tập luyện dụng cụ cũ là nỗ lực đáng ghi nhận.
TDDC Việt Nam chưa thể chạm tới vị trí huy chương tại Olympic nhưng khi chúng ta có huy chương Asian Games, giải VĐTG và suất chính thức Olympic thì môn thể thao này xứng đáng được đầu tư và phong trào phải phát triển mạnh.
NGUYỄN ĐÌNH