Chương trình dành cho mục tiêu đào tạo chuyên môn lâu dài, tập trung vào các tay vợt trẻ triển vọng bắt đầu được Liên đoàn cầu lông Việt Nam xây dựng để thực hiện. Tại buổi ra mắt Ban chấp hành Liên đoàn cầu lông Việt Nam nhiệm kỳ 7 (2024-2029), Chủ tịch Liên đoàn – ông Lê Đăng Xu một lần nữa khẳng định cụ thể: “với các tay vợt trẻ có triển vọng, cầu lông Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ. Chúng tôi thực hiện không chỉ là tổ chức giải đấu cọ xát mà sẽ tập huấn, cử tập luyện, thi đấu các chương trình quốc tế. Chúng ta đang có tay vợt Nguyễn Thị Thu Huyền và một số gương mặt khác có tiềm năng”.
Chung quan điểm, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Nai – bà Lê Thị Ngọc Loan cho rằng việc đầu tư xây dựng các chương trình đối với cầu lông thành tích cao dành cho VĐV trẻ là phù hợp. Tuy vậy, việc đầu tư phải được tiến hành lâu dài và có sự đánh giá các kết quả qua từng quá trình.
Ở tuổi 13, Nguyễn Thị Thu Huyền đang là tay vợt trẻ nhất từ trước tới nay của cầu lông Việt Nam được tập trung đội tuyển quốc gia. Phụ trách bộ môn cầu lông (Cục TDTT) – ông Khoa Trung Kiên từng phân tích “việc Thu Huyền tập trung với các tay vợt ở tuyến 1 đội tuyển cầu lông Việt Nam nhằm tạo thêm điều kiện để phát triển chuyên môn tốt hơn. Chúng tôi đều có sự kiểm tra kỹ từ phân tích của HLV trong ban huấn luyện qua từng giai đoạn, nhằm có sự điều chỉnh tốt nhất đối với VĐV. Thu Huyền là người có tiềm năng phát triển chuyên môn”.
Bài toán được Liên đoàn cầu lông Việt Nam xây dựng cụ thể là tăng cường tham dự các giải đấu quốc tế ở mọi cấp độ cho các tuyển thủ. Chúng ta tiếp tục nhắm mục tiêu giành suất chính thức dự Olympic Los Angeles (Mỹ) 2028. Cầu lông Việt Nam tính toán để đưa ra giải pháp sẽ thực hiện cử VĐV đội tuyển trẻ quốc gia tham gia từ 3 tới 5 giải quốc tế/năm; đội tuyển quốc gia được dự từ 14 tới 17 giải quốc tế/năm.
Sau khi Nguyễn Thị Thu Huyền giành HCB đơn nữ nhóm tuổi U15 giải cầu lông trẻ châu Á 2024 (tháng 8-2024), nhiều lời khen dành cho tay vợt trẻ này. Thu Huyền đã chia sẻ, mình còn cần tập trung tập luyện nhiều hơn nữa. Thu Huyền được trưởng thành từ cầu lông Hải Dương. Bây giờ, ở tuổi 13, Thu Huyền đã gia nhập cầu lông Đồng Nai và đang được đơn vị chủ quản xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cao trình độ tiếp tục.
Tuy nhiên, sự đầu tư cần quá trình. Cũng như, công tác chuyên môn được yêu cầu phải đảm bảo chất và lượng tránh đốt cháy giai đoạn. Ngoài Nguyễn Thị Thu Huyền, cầu lông trẻ Việt Nam có các tay vợt nhận đánh giá có triển vọng phát triển chuyên môn như Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Phước Lê Pháp, Phạm Tân Tiến, Phạm Thanh Hằng, Trần Khánh Huyền, Nguyễn Duy Ngọc Anh...
Chúng ta liên tiếp giành suất chính thức dự Olympic từ năm 2008 tới nay. Tuy vậy ở thực tế, kết quả chuyên môn trên đấu trường quốc tế thường chỉ tới từ 1 số trường hợp tay vợt cụ thể. Trước đây, chúng ta có Nguyễn Tiến Minh duy trì liên tục thành tích quốc tế trong nhiều năm. Bây giờ, tay vợt Nguyễn Thùy Linh được biết đến nhiều khi đã góp mặt ở top 30 thế giới.
“Việc đầu tư xây dựng kế hoạch bài bản cho cầu lông trẻ, không chỉ riêng VĐV Nguyễn Thị Thu Huyền, là điều được thực hiện trọng tâm. Cầu lông Việt Nam thực hiện bài toán dài hơi là tuyển chọn, đào tạo lực lượng tìm ra nhiều VĐV triển vọng để có lực lượng dồi dào”, đại diện bộ phận chuyên môn của Liên đoàn cầu lông Việt Nam trao đổi. Chỉ có điều đáng tiếc, trong Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” đã phê duyệt và đang thực hiện, môn cầu lông không nằm trong danh sách.