“Tấm vé” lịch sử của xe đạp

Nguyễn Thị Thật trở thành tay đua đầu tiên trong lịch sử xe đạp Việt Nam giành suất chính thức tham dự một kỳ Olympic (Paris 2024), sau khi bảo vệ thành công tấm HCV ở giải vô địch châu Á 2023 vừa kết thúc.
Nguyễn Thị Thật (hàng đầu, bên trái) giành được suất chính thức dự Olympic 2024
Nguyễn Thị Thật (hàng đầu, bên trái) giành được suất chính thức dự Olympic 2024

Kết quả phản ánh việc nếu được tạo điều kiện đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài dài hạn sẽ giúp VĐV Việt Nam ở nhóm môn cơ bản Olympic tiến bộ đột phá về chuyên môn. Với trường hợp của Thật, người đang thi đấu cho một đội đua chuyên nghiệp tại Thụy Sĩ, thì việc được cọ xát với nhiều đối thủ hàng đầu ở châu Âu và thế giới đã giúp cô gặt hái được nhiều thành tích quan trọng, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển cho chính bộ môn mà mình đang theo đuổi.

Xe đạp Việt Nam thời gian gần đây được quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các địa phương và doanh nghiệp trong nước. Sự hợp lực giữa “2 nhà”: nhà nước và nhà doanh nghiệp đang kích thích sự phát triển rất mạnh của phong trào xe đạp chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Đây cũng chính là bài học mà thể thao Thái Lan và Indonesia thực hiện quyết liệt từ lâu, đã tạo được dấu ấn đáng kể ở các sân chơi châu lục và thế giới.

Có điểm chung giữa Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Huỳnh Như (bóng đá) hay trước đó là Nguyễn Thị Hoa (bóng chuyền) đều là VĐV nữ và thi đấu thành công ở những nền thể thao có trình độ cao hơn chúng ta. Dù có những bất lợi về thể hình nhưng VĐV Việt Nam vẫn có các ưu thế mang tính đặc thù về tinh thần, sức bền, trình độ kỹ thuật để thi đấu đỉnh cao ngay cả ở những môn khắc nghiệt nhất.

Thể thao Việt Nam vẫn chưa có những chiến lược dài hơi để đưa các VĐV của mình xuất ngoại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh thành tích tầm Asiad hay Olympic. Chúng ta cần nhiều hơn những VĐV tài năng như Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trần Thị Thanh Thúy (bóng chuyền nữ), Lê Quang Liêm (cờ vua). Đành rằng khả năng có thành tích đặc biệt nào đó ở Olympic, World Cup của xe đạp, bóng đá nữ vẫn còn khá xa tầm với, nhưng chí ít sự có mặt của các VĐV Việt Nam ở các đấu trường ấy cũng đều là những đại diện hình ảnh tuyệt vời cho đất nước. Góp gió thành bão, đi rồi sẽ thành đường, chúng ta vẫn có thời gian và sự kiên trì không từ bỏ.

Thể thao Việt Nam có khao khát vươn tầm, có nội lực, có tài năng nhưng có vẻ như các thành công hiện vẫn còn mang tính đơn lẻ, chờ đợi sự may mắn của từng cá nhân VĐV hơn là một chiến lược “xuất khẩu con người” bài bản với nguồn lực tài chính, năng lực tiếp cận công nghệ và các yếu tố chuẩn bị hữu ích trong khâu đào tạo VĐV như ngoại ngữ, văn hóa, tâm lý… Ví dụ như trong trường hợp của Nguyễn Thị Thật, thì thành công đến từ sự trải nghiệm ở môi trường chuyên nghiệp, ở giá trị của chiếc xe đua, thiết bị hỗ trợ tập luyện mà cô đang sử dụng.

Tin cùng chuyên mục