Rốt cục thì việc “nghị án” cho sự cố tại sân Thanh Hóa phải chậm hơn dự kiến sau khi phía Ban trọng tài có thái độ mạnh mẽ với ban kỷ luật. Tất nhiên, làm gì có chuyện VFF để ban này “đánh” ban kia giữa ban ngày như vậy.
Nhưng, như chúng tôi đã từng nhận định, vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam chính là hệ thống luật lệ thông qua những văn bản như qui chế chuyên nghiệp hay điều lệ giải luôn có vô số điểm hở, không theo kịp với đà tiến của xã hội nói gì đến những diễn biến quá nhanh trên sân cỏ nội địa. Và cho đến nay, dù mỗi năm đều có sửa đổi qui chế cũng như ban hành điều lệ mới nhưng hoàn toàn chưa hệ thống hóa được toàn bộ các qui định ứng xử về luật cho toàn nền bóng đá. Đến khi VPF ra đời, mọi thứ lại càng vội vội, vàng vàng dù về tính chất sự việc thì nhất thiết, bóng đá Việt Nam cần một hệ thống qui định mới khi đã thay đổi quá lớn trên thượng tầng quản lý.
Vậy nhưng, như chúng ta đã thấy, chỉ một chi tiết nhỏ liên quan đến “khán giả bầu Thụy” thôi cũng đã làm đau đầu những nhà tổ chức. Vấn đề đó đâu phải là lần duy nhất, các ông bầu can thiệp vào diễn biến trận đấu. Sự việc tương tự đã xảy ra nhưng việc xử lý lại cứ dựa trên sự kiện thay vì tìm hiểu cho cặn kẽ căn nguyên.
Sự số tại Thanh Hóa được cho là vì ban kỷ luật quá nhẹ tay. Ảnh: Quang Minh
***
Ý kiến của Ban trọng tài không thể nói là thiếu xác đáng. Đang ở một ngày đẹp trời, bỗng nhiên có đội bóng “quăng” một công văn theo kiểu kiến nghị “khơi khơi” nhưng trong đó, nói theo ban trọng tài, thì đã “xúc phạm đủ kiểu” những người đang điều hành trận đấu. Vậy mà chẳng sao cả, chỉ ở mức phạt cảnh cáo. Hình thức kỷ luật đó cũng là theo kiểu “… một ngày đẹp trời” thôi. Nói cách khác, có lẽ ban kỷ luật thấy tính chất sự việc không quan trọng nên cũng phạt theo kiểu “dĩ hòa vi quý”.
Nhưng với ban trọng tài, đang bình thường mà đã có quyền xúc phạm người khác như vậy thì nói gì đến lúc nóng giận trên sân cỏ. Không thi đấu mà đội bóng và cầu thủ đã có suy nghĩ không tốt về trọng tài thì làm sao không phát hỏa trên sân bóng. Luôn luôn nghĩ không tốt về trọng tài thì đương nhiên, hễ có chuyện lại cứ nhắm trọng tài mà tố. Đấy là một thói quen, dần dần trở thành quán tính. Không “trị” dứt điểm từ đầu thì các sự cố trên sân sẽ còn xảy ra.
Nói theo ban trọng tài thì mọi vấn đề đều có nguyên nhân của nó và ở đây là cách xử lý của ban kỷ luật khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, ở góc độ của mình thì ban kỷ luật cho rằng mình xử theo khung cho phép. Tóm lại, việc đụng chạm giữa 2 ban chức năng ấy lại “lòi” ra cái pháp lý lỏng lẻo trong những qui định ở bóng đá Việt Nam.
Vậy thì tại ai?
Hồ Việt