Thể thao Nhật Bản và thể thao Việt Nam đã và đang có những hỗ trợ và đồng hành lâu nay. Ngoài bóng đá, thể thao Việt Nam có nhiều môn rất trân trọng sự đồng hành của các ông thầy của xứ sở Mặt trời mọc.
1. HLV nổi tiếng nhất từng tới Việt Nam huấn luyện đội tuyển quốc gia là ông Miura (bóng đá). Là HLV Nhật Bản đầu tiên đến với Việt Nam trong môn bóng đá, ít nhiều ông T. Miura có để lại dấu ấn. Ngoài ông Miura, thể thao thành tích cao có không ít HLV người Nhật Bản đã kết hợp làm việc. Chuyên gia Hidehisa Hasame là một trong những HLV kỳ cựu luôn đóng góp kinh nghiệm và ý kiến chuyên môn quan trọng với đội karatedo Việt Nam. Đây là vị chuyên gia đã làm việc cùng đội tuyển karatedo trong một thời gian dài.
![]() |
HLV Toshiya Miura là một trong những chuyên gia Nhật Bản từng làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Anh
Ai cũng nhớ trước đây, khi đội tuyển karatedo chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng thì ông Hasame đều được mời tới Việt Nam củng cố thêm chuyên môn cho các tuyển thủ. Hiện tại, karatedo Việt Nam có những sự phát triển mới mẻ và chuyên gia Hidehisa Hasame đã không còn làm việc cùng. Tuy nhiên, trưởng bộ môn karatedo (Tổng cục TDTT) từng chia sẻ, đội tuyển và các VĐV qua nhiều giai đoạn luôn trân trọng sự giúp đỡ của vị chuyên gia này. Ngoài môn karatedo, một số đội tuyển như judo, aikido của Việt Nam đều có những sự giúp đỡ của chuyên gia. Mặc dù chuyên gia không thể đồng hành thời gian dài nhưng sự chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ chuyên môn của họ luôn rất quý báu.
Bóng chuyền Việt Nam trước đây thường lựa chọn HLV Trung Quốc về huấn luyện. Tuy thế, lúc này, lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) và bộ môn bóng chuyền (Tổng cục TDTT) đã thay đổi tư duy để mời HLV người Nhật Bản tham gia huấn luyện. Chuyên gia Nhật Bản Shuto Koichi là người đầu tiên của xứ mặt trời mọc đến huấn luyện bóng chuyền cho chúng ta. Ông Shuto Koichi đã làm việc với đội trẻ nữ U.19 và rất được các học trò trân trọng.
Tới đây, chuyên gia Hidehiro Irisawa sẽ được bóng chuyền Việt Nam ký hợp đồng mời về huấn luyện đội tuyển nữ quốc gia. Vị chuyên gia này được đánh giá “đắt, xắt ra miếng” vì VFV sẵn sàng trả lương 6.000 USD/tháng nhằm có được kết quả chuyên môn cao nhất. Nếu hợp đồng với ông Hidehiro Irisawa thành công thì HLV này là người có lương nhiều thứ 2 trong lịch sử thể thao Việt Nam. Người đầu tiên là HLV T.Miura (bóng đá).
2. VĐV Việt Nam cũng có sự thành công khi được đến Nhật Bản tập huấn, tập luyện. Điển hình là cựu võ sĩ karatedo Nguyễn Hoàng Ngân. Ngân đã có 8 năm học tập và tập luyện tại Nhật Bản. Cô từng giành chức vô địch karatedo thế giới cũng như giành nhiều huy chương cho thể thao Việt Nam tại Asian Games, SEA Games. Ngày còn ở Nhật Bản, Hoàng Ngân không chỉ rèn luyện thể thao mà cô đã tốt nghiệp đại học tại nước bạn. Ngân từng chia sẻ, “tính kỷ luật trong môi trường thể thao Nhật Bản đã giúp tôi hoàn thiện bản thân rất nhiều”. Sau quãng thời gian ở Nhật Bản, Hoàng Ngân đã trở về Việt Nam công tác truyền đạt lại kinh nghiệm thi đấu cho các VĐV trẻ. Bây giờ, Hoàng Ngân là HLV của môn karatedo thuộc Sở VH-TT Hà Nội và là HLV phụ trách nội dung kata thuộc đội karatedo quốc gia.
Năm 2015, kình ngư Hoàng Quý Phước là VĐV bơi đầu tiên của thể thao Việt Nam tới Nhật Bản tập huấn dài hạn. Tại đợt tập huấn này, Quý Phước được rèn luyện theo chương trình và cơ sở vật chất của công ty Renaissance. Gần 1 năm, Quý Phước rèn luyện tại đây, dù kình ngư người Đà Nẵng cho rằng không hiệu quả nhưng về chuyên môn, tuyển thủ này vẫn có kết quả nhất định. Thành tích được xác nhận nhờ kết quả sau giai đoạn tập luyện tại Nhật Bản là tấm HCV của Phước ở SEA Games 28-2015. Sau khi Quý Phước cho biết gặp chấn thương vì tập luyện tại Nhật Bản, các chuyên gia của bạn đã sang Việt Nam để giải thích cặn kẽ về chuyên môn và sẵn lòng giúp kình ngư này hoàn thiện hơn. Đáng tiếc, về sau, Phước đã không tiếp tục chương trình tập huấn tại đây mà chuyển sang Hungary.
Năm 2016, đội thể dục dụng cụ gồm 2 tuyển thủ Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh từng được tập huấn gần 1 tháng tại Nhật Bản trước khi đi Rio de Janeiro – Brazil thi đấu Olympic 2016. Sau quá trình tập huấn, cả 2 tuyển thủ đều tâm đắc rằng đợt rèn luyện mang lại kinh nghiệm quan trọng là kỹ thuật bài tập được nâng cao hơn. Đợt tập luyện không quá lâu ở Nhật Bản nhưng việc thể dục dụng cụ Việt Nam hướng đến quốc gia bạn tập huấn là nét mới cho các VĐV được “đổi gió”.
NGUYỄN ĐÌNH