Từ nỗi lo kinh phí…
Hồi tháng 3-2019, Thái Lan suýt chút nữa trở thành quốc gia tổ chức SEA Games 30, nếu như Hội đồng thể thao Đông Nam Á vẫn giữ quyết định rút quyền đăng cai sự kiện này của Philippines, sau khi chính phủ nước này tuyên bố cắt giảm hơn 1/3 kinh phí (từ 140 triệu USD xuống còn khoảng 90 triệu USD), chưa kể điều tiếng về các vụ đấu đá trong nội bộ ngành TDTT Philippines có chiều hướng lên cao.
Đông Nam Á từng có tiền lệ. Đấy là chuyện của năm 2015, khi Singapore bất đắc dĩ phải thay Brunei tổ chức kỳ đại hội lần thứ 28 do quốc gia nhỏ trong khối ASEAN này khẳng định họ không đủ điều kiện để đăng cai quá nhiều môn thi đấu.
Phút cuối, Philippines vẫn giữ được SEA Games ở lại Manila và các thành phố lân cận. Có điều, việc họ quyết định tổ chức đến 56 môn thể thao đã thực sự biến thành gánh nặng, cả về phương diện kinh phí lẫn điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng công tác chuyên môn thi đấu cho gần 10.000 VĐV Đông Nam Á cùng tham gia tranh tài.
Suốt 1 năm qua, Philippines luôn đặt Hội đồng thể thao Đông Nam Á vào tình thế “ngồi trên đống lửa”, có thể phải tìm gấp quốc gia đăng cai SEA Games một khi Philippines bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc vì không kham nổi khối lượng công việc khổng lồ đã bày ra. Thái Lan, Indonesia và thậm chí là Singapore đã được chọn cho các phương án dự phòng…
Chính phủ Philippines đã rấtcố gắng đểtổ chức SEA Games 30theo cáchtiết kiệm nhất có thể, đồng thời tích cực huy động nguồn tài trợ từxã hội. Nhưngmọi thứ diễn ra có vẻ vội vàng và đặt chính phủ cũng như ngành TDTT nước này có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần rất lớn sau khi SEA Games khép lại.
…đến băn khoăn chuyện “thâu tóm” huy chương
Vừa khổ sở đối phó với khó khăn tài chính, nước chủ nhà Philippines còn đối diện với sự chỉ trích đang lớn dần từ các nền thể thao trong khu vực, sau khi Ban tổ chức SEA Games cắt bỏ khá nhiều môn và nội dung sở trường của họ, để đưa vào những môn thế mạnh của chủ nhà mà mục đích là thâu tóm càng nhiều HCV càng tốt.
Thật ra, việc Philippines ngó lơ dư luận khu vực, thậm chí viện cớ đang bận rộn với công tác chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công kỳ đại hội lần thứ 30 này, đều có nguyên nhân cả.
Đầu tiên, Philippines cần thêm động lực để thúc đẩy ngành thể thao phát triển toàn diện hơn, thay vì chỉ mạnh thực sự ở một số môn như bóng rổ, quyền Anh, hoặc dựa vào việc nhập quốc tịch cho VĐV Mỹ, Đức, Anh gốc Philippines để tranh chấp thành tích. Họ đang hướng đến mục tiêu đăng cai Asiad 2030. Mà muốn cụ thể hoá giấc mộng đó, họ cần thể hiện được năng lực tổ chức và trình độ cạnh canh thành tích với chính những nền thể thao mạnh trong khu vực. Nếu không cắt giảm bớt môn và nội dung mạnh của đoàn khác, Philippines sẽ không đủ tự tin nhắm đến ngôi dẫn đầu SEA Games 30.
Bản chất của cuộc tranh tài này không xấu, vì đây vẫn được đánh giá là “bàn đạp” cho nhiều VĐV xuất sắc của khu vực vươn lên tầm châu Á, thế giới. Tuy nhiên, việc chia chác huy chương, dàn xếp kết quả nhiều môn thi, lạm dụng doping, dùng trọng tài để ép uổng VĐV đoàn khác chịu thua thiệt… xảy ra quá nhiều và phổ biến qua từng lần tổ chức đã làm hoen ố đi phần nào hình ảnh “cao thượng – trung thực – tiến bộ” của một đại hội thể thao khu vực.