Sân nào mới phù hợp?

Nỗi niềm người trong cuộc

Bóng đá ở cấp đội tuyển, nếu thi đấu tại Việt Nam hiện chỉ có các sân Mỹ Đình (Hà Nội), Thống Nhất (TPHCM) và thi thoảng là Hàng Đẫy (Hà Nội) thường tổ chức. Ưu tiên số 1 của lãnh đạo môn bóng đá bao giờ cũng là sân Mỹ Đình một sân đáp ứng tiêu chuẩn để đội tuyển quốc gia thi đấu. Nhưng với bóng chuyền, nhiều người luôn thắc mắc rằng vào lúc này, NTĐ nào là đủ tiêu chuẩn nhất để cho đội tuyển quốc gia (nam, nữ) tranh tài?

NTĐ tỉnh Hà Nam với sức chứa gần 8.000 chỗ ngồi và được đầu tư 1.000 tỷ đồng

Nỗi niềm người trong cuộc

NTĐ được cho là hiện đại nhất bây giờ là NTĐ tỉnh Hà Nam. Sức chứa gần 8.000 chỗ ngồi và được xây dựng năm 2014 với tiền đầu tư lên tới con số 1.000 tỷ đồng đã và đang đưa địa điểm này vào danh mục... NTĐ xịn nhất Việt Nam. Khi khai trương năm 2014, tại đây được kỳ vọng tổ chức môn bóng chuyền của Đại hội TDTT toàn quốc nhưng cuối cùng NTĐ Thái Bình và NTĐ đa năng Nam Định đã tổ chức.

Từ khi NTĐ mới của Hà Nam ra đời, nó mới chỉ là chủ nhà 2 giải bóng chuyền quốc tế (chưa tổ chức giải quốc nội) gồm cúp CLB nữ châu Á 2015, cúp bóng chuyền quốc tế nữ VTV 2016. Khán giả vào chật kín khán đài các lượt trận bán kết và chung kết cúp VTV vừa qua là thành công của nhà tổ chức cùng đơn vị tài trợ. Trong một tuần vừa qua, NTĐ Hà Nam đã phục vụ được đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia, người hâm mộ địa phương cùng các khu vực lân cận. Thực tế, từ SEA Games 2003, những giải đấu cấp đội tuyển của bóng chuyền rất ít được tổ chức tại Việt Nam. SEA Games năm đó, NTĐ tại Ninh Bình và NTĐ Trần Quốc Toản (Nam Định) là điểm tổ chức thi đấu bóng chuyền.

“Năm đó, chúng tôi thấy được sự cổ vũ đông đảo của người hâm mộ cũng như nhà thi đấu được làm mới nên mọi người làm việc rất hứng khởi. Tuy nhiên, sau nhiều năm, giải bóng chuyền mà có ĐTQG thi đấu thì chỉ có giải của Đài THVN nhưng không cố định một điểm mà được xoay tua nhiều thành phố để phục vụ người hâm mộ”, chuyên gia bóng chuyền Trần Văn Thư từng chia sẻ. Hiện tại, chúng ta có nhiều nơi đạt tiêu chuẩn thi đấu bóng chuyền quốc tế như NTĐ Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), NTĐ Việt Trì (Phú Thọ), NTĐ Ninh Bình, NTĐ Hải Dương, NTĐ đa năng Nam Định, NTĐ Quân khu 7-TPHCM... Tại cúp bóng chuyền nữ châu Á 2016 tổ chức ở Vĩnh Phúc, nhiều phóng viên của các đội nữ Iran, nữ Thái Lan, nữ Nhật Bản khi được hỏi đều đánh giá sân đấu của chúng ta tốt, ánh sáng phù hợp để theo dõi. Tuy nhiên, điều thiếu của bóng chuyền đội tuyển vẫn là giải đấu ngay tại Việt Nam.

Không có giải quốc tế thường xuyên hoặc cố định theo chu kỳ ở Việt Nam, NTĐ có tốt vẫn phải “tắt đèn”. NTĐ Hà Nam vừa qua thu hút đông khán giả được lý giải từ nhiều nguyên do. Một phần là địa phương này rất “đói” thể thao nên có giải lập tức người xem rất đông. Ngoài ra, đội tuyển nữ Việt Nam là một thương hiệu nên khán giả đều hồ hởi. NTĐ Hà Nam từng được xem là điểm sẽ thi đấu giải bóng bàn toàn quốc năm tới nhưng đã bị bỏ qua do nơi đây xa trung tâm thành phố (việc di chuyển rất tốn kém cho các đội) cũng như không gian quá rộng không phù hợp. Một nhà thi đấu nhiều tỷ đồng chỉ trông vào giải bóng chuyền diễn ra nhỏ giọt thì đúng là công năng còn hạn chế.

Thế nào mới chuẩn?

Trước đây, NTĐ Phan Đình Phùng (TPHCM) cũng là một nơi thường tổ chức các giải bóng chuyền từ cấp CLB cho tới đội tuyển quốc gia. NTĐ này đang trong quá trình sửa chữa nên bóng chuyền nếu diễn ra tại TPHCM chủ yếu được tranh tài tại NTĐ Rạch Miễu hoặc NTĐ Quân khu 7. Các NTĐ trên vẫn phù hợp nhưng với giới bóng chuyền, ai cũng thích môn đấu được diễn ra tại NTĐ truyền thống thì luôn thú vị hơn. Một năm, giải VĐQG tổ chức 2 lượt đi-về. Ít nhất một năm có 4 địa phương sẽ đăng cai tranh tài môn này (phân theo bảng).

Dù vậy, chưa một ai đưa ra chỉ số đánh giá các NTĐ nội địa để đặt ra tiêu chí phân loại NTĐ phù hợp và đủ tiêu chuẩn tổ chức hay không. Qua đấy, địa phương nhận giải mới được tổ chức. Thực tế, chúng ta thường làm ngược lại quy trình đó. Nghĩa là, khi ban hành kế hoạch thì hỏi ý của địa phương có nhận giải hay không. Nếu địa phương gật đầu thì dù NTĐ của địa phương đó không đủ tiêu chuẩn vẫn sẽ được ép cho... đủ chất lượng để tổ chức giải VĐQG. Bây giờ, trong từng năm, tìm địa phương chấp nhận làm chủ giải một bảng đấu là một thách thức cho nhà quản lý Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Nếu không có gì thay đổi, Khánh Hòa sẽ thay Bắc Ninh làm chủ một bảng đấu tại vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2016. Dự kiến ban đầu tại vòng 2 sẽ thi đấu ở Bắc Ninh và Hà Tĩnh nhưng tiếc là phía Bắc Ninh đã rút lui. Năm 2015, vòng 2 giải VĐQG cũng diễn ra tại NTĐ Nha Trang (Khánh Hòa) và tổ chức trận chung kết nữ. Sau nhiều năm, mọi người đều thấy rõ NTĐ Nha Trang đã xuống cấp và không đủ tiêu chuẩn để tổ chức thi đấu bóng chuyền. Dù vậy, khi không địa phương nào nhận đăng cai ở giai đoạn gấp rút này, Khánh Hòa chấp nhận “chữa cháy” thì Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mới thở phào.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục