Giải đấu chính thức tranh tài từ ngày 11-5. Trong 8 đội bóng dự giải lần này, không ai nhiều kỷ niệm và nhiều cảm xúc bằng Nguyễn Thị Trinh. Bởi lẽ, dù đang khoác áo đội nữ Ninh Bình, nhưng Nguyễn Thị Trinh là tay đập đã trưởng thành từ thể thao Đắk Lắk để bây giờ giờ là một trong những tuyển thủ quan trọng của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.
Nguyễn Thị Trinh là người khá kiệm lời, ít xuất hiện trước báo giới. Trong số ít lần trò chuyện, tay đập này bảo mình chỉ tập trung chủ yếu chuyên môn bóng chuyền do đó là công việc, sự đam mê bản thân chứ không muốn xuất hiện trên báo chí. Dẫu thế, bên ngoài sàn đấu, sau bộ quần áo cầu thủ bóng chuyền, Nguyễn Thị Trinh vẫn là một cô gái thích làm đẹp và có gương mặt khả ái, được nhiều người mến mộ từ trên mạng xã hội lẫn cuộc sống.
13 năm trước (năm 2011), theo trí nhớ của các HLV trường năng khiếu TDTT tỉnh Đắk Lắk thì cô bé Nguyễn Thị Trinh được phát hiện trong thời gian theo học tại trường THCS gần nhà ở huyện Ea H'leo (Đắk Lắk). Khi ấy, Nguyễn Thị Trinh học lớp 9 nhưng sở hữu chiều cao vượt trội hơn các bạn. HLV Võ Văn Hải là một trong những người đầu tiên thấy khả năng phát triển tiềm năng của Trinh nên thuyết phục gia đình cho cô theo tập thể thao. Giai đoạn trên, bóng chuyền nữ Đắk Lắk đang tìm kiếm những con người triển vọng cho tương lai và sau sự thuyết phục được gia đình chấp thuận, các HLV thể thao Đắk Lắk mời được Nguyễn Thị Trinh về tập thể thao và trở thành một cầu thủ bóng chuyền.
Đó là bước ngoặt cuộc đời của Nguyễn Thị Trinh. Trong những lần trò chuyện, tay đập từng chia sẻ trước khi tới với thể thao, mình chưa biết nhiều về bóng chuyền. Nhưng khi là VĐV năng khiếu của thể thao Đắk Lắk, Nguyễn Thị Trinh biết những kỹ thuật cơ bản đầu tiên của môn này. Tuy nhiên, sự phát triển tốt nhất giúp chuyên môn của Nguyễn Thị Trinh hoàn thiện một phần nhờ công đào tạo của tuyến trẻ đội nữ VTV Bình Điền Long An. Năm 2014, một số cầu thủ năng khiếu của Đắk Lắk đã được gởi tới tuyến trẻ của đội nữ VTV Bình Điền Long An khi 2 đơn vị có sự hỗ trợ trao đổi. Từ đó, Nguyễn Thị Trinh được tôi luyện những kỹ thuật, chiến thuật chuyên môn đầy đủ nhất. Cộng thêm sự thiên bẩm về chiều cao (tay đập cao 1m80), tốc độ tốt và lực đánh mạnh mẽ thì cầu thủ này trở thành một trong những người xuất sắc nhất ở lứa năng khiếu thể thao của mình.
Đi xa rồi trở về. Nguyễn Thị Trinh từng có thời điểm thi đấu cho VTV Bình Điền Long An nhưng khi đội nữ Đắk Lắk thăng hạng sau mùa giải 2016, tay đập này đã toàn tâm khoác áo bóng chuyền quê hương. Bước ngoặt thứ nữa của Nguyễn Thị Trinh là lần đầu cô được khoác áo đội tuyển quốc gia (dự VTV Cup năm 2016). Dù chỉ là cầu thủ dự bị nhưng với tay đập tròn 19 tuổi như Nguyễn Thị Trinh, được khoác lên mình áo đấu đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, cô thấy vinh dự đầy tự hào.
Cứ thế, hành trình chuyên môn của Nguyễn Thị Trinh thăng tiến dần qua từng năm. Khép lại mùa giải 2021, dù còn nặng lòng với quê hương Đắk Lắk nhưng việc phát triển chuyên môn vẫn là cần thiết, Nguyễn Thị Trinh quyết định gia nhập đội nữ Ninh Bình. Có thể xem, đây là quyết định nhiều trăn trở của phụ công này. Cô từng bảo, mình chưa bao giờ muốn đi xa nhưng sự nghiệp cần một đỉnh cao chuyên môn nên chấp nhận thách thức mới. Và, bước ngoặt thứ ba của Trinh là việc cô giành ngôi vô địch quốc gia 2023 cùng đội nữ Ninh Bình.
Bây giờ, Nguyễn Thị Trinh là thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Cô có đầy đủ danh hiệu cùng bóng chuyền nữ Việt Nam trong năm 2023.
Với Cúp bóng chuyền nữ quốc tế VTV9-Bình Điền, phụ công này khẳng định được thi đấu trên tại quê hương, trước khán giả thân thương luôn mang về cho mình cảm xúc khó tả. “Dù khoác áo bất cứ đội bóng nào nhưng được thi đấu tại nhà thi đấu tỉnh Đắk Lắk, tôi luôn có cho mình tình cảm đặc biệt. Thêm nữa, người hâm mộ ở Đắk Lắk luôn cổ vũ nhiệt tình nhất cho bóng chuyền”, Nguyễn Thị Trinh từng bày tỏ.