Với bóng đá Việt Nam, những giai đoạn khởi sắc, có bước chuyển để khẳng định mình, phần lớn đều là giai đoạn có sự đóng góp công sức của HLV ngoại. Trong đó, ba cái tên được nhắc đến nhiều nhất, có được tình cảm sâu sắc trong lòng người hâm mộ là Karl-Heinz Weigang, Calisto và A.Riedl. Chính vì vậy mà sự ra đi của cựu thuyền trưởng Weigang do trụy tim ở tuổi 81 mới đây đã khiến nhiều người tiếc nhớ.
Cuộc đời 81 tuổi, có 53 năm hành nghề HLV của Weigang có lẽ đã nói lên niềm đam mê bóng đá của ông, nhất là đa số quãng thời gian đó ông làm việc ở nhiều quốc gia xa xôi có nền bóng đá phát triển thấp như Mali, Gabon, Malaysia…
Với bóng đá Việt Nam, hai lần ông đến đều để lại những dấu ấn khó quên. Năm 1966, ông dẫn dắt đội bóng miền Nam vô địch Merdeka Cup với thành phần đội tuyển là những cái tên gạo cội của bóng đá Việt Nam sau này như Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Mộng… Merdeka Cup 1966 được xem là thành tích tốt nhất trong khu vực của bóng đá Việt Nam, để rồi sau đó khó tìm lại được.
Cho đến năm 1995, ông quay lại Việt Nam với một hành trình mới. Cũng phải thừa nhận rằng, VFF giai đoạn ấy đã quyết liệt thay đổi mở cửa, bằng cách lần đầu tiên sau giải phóng đã thuê một HLV ngoại về cầm quân đội tuyển quốc gia. Và đó lại là cột mốc đáng nhớ nhất, được xem là thời điểm bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực. Không chỉ giúp Việt Nam đoạt huy chương bạc SEA Games 18 sau trận thua Thái Lan trong trận chung kết, ông còn cùng đội tuyển lấy huy chương đồng Tiger Cup 1996.
Đáng nhớ hơn, HLV Weigang đã gắn với “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam mà đến nay vẫn chưa có lớp cầu thủ nào có thể vượt qua được. Đó là những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Minh Chiến, Nguyễn Hữu Thắng, Huỳnh Quốc Cường, Võ Hoàng Bửu, Trần Công Minh… Có thể nói, đây là thế hệ cầu thủ tốt nhất sau khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực và vẫn tiếp tục có đóng góp và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này. Một nhà phân tích nhận định, nếu không có Weigang đến vào năm 1995 thì chưa chắc một thế hệ vàng như vậy có thể tỏa sáng cùng lúc và làm rạng sáng bóng đá Việt Nam lúc đó.
Những thăng trầm của bóng đá Việt Nam sau giai đoạn đó cũng bởi nhiều nguyên nhân, nhưng rất dễ nhìn thấy vai trò của các HLV ngoại. Khi ông Calisto rồi Riedl đến, đó là những năm mà chỉ cần một trận đấu nào của đội tuyển thì dòng người đều đổ ra đường cổ vũ với ngợp trời sắc đỏ cờ Tổ quốc. Để rồi sau đó, sự lủng củng nội bộ, sự tham mưu sai lầm, sự tự mãn quá sớm… khiến cho chủ trương và cách sử dụng huấn luyện không còn phù hợp. Và kết quả là hiện nay chúng ta phải chật vật mong giữ lại những gì đã có, chứ không có hướng để phát triển cao hơn.
Nhân câu chuyện về ông Weigang và các HLV ngoại, có lẽ VFF cần điều chỉnh, từ nhận thức cho đến kế hoạch sao cho phù hợp hơn, bởi bóng đá Việt Nam vẫn đang rất cần những HLV ngoại giỏi, có phương pháp tốt để tiếp tục định hình cho nền tảng đã có. Ngay cả bóng đá Anh sau khi ở đỉnh cao, có “thói quen” chỉ sử dụng HLV nội (mà thật sự HLV nội của họ đã rất giỏi). Nhưng rồi sau đó họ phải chấp nhận thay đổi, vẫn tìm kiếm những ông thầy ngoại phù hợp và tài năng hơn. Bài học đó rất đáng suy nghĩ và tiếp thu.