Ngay như Giải vô địch Đông Nam Á năm 2017 đang diễn ra ở Singapore, các tuyển thủ Mai Hoa, Cẩm Hồng, Mỹ Huyền, Huỳnh Yến, Quang Vũ, Văn Nhã thi đấu đến gần ngày cuối cùng, đã điền tên mình vào vòng tứ kết, bán kết cũng không nhiều người biết, trừ giới làm nghề. Họ đành phải kêu gọi sự ủng hộ từ người hâm mộ trên… facebook với hy vọng được “lên dây cót tinh thần” trước khi bước vào các trận đấu với đồng nghiệp khu vực.
Đấy không hẳn là điều gây ngạc nhiên, bởi xưa nay bóng chuyền bãi biển vốn bị xếp vào diện đầu tư ít, tính hấp dẫn không cao như bóng chuyền trong nhà, lại khó làm thương hiệu. Thành thử chính các tuyển thủ thực sự yêu nghề như Cẩm Hồng, Mai Hoa, Nguyễn Thị Mãi… đành tự hài lòng với số phận.
Trước kia, lúc phong trào còn mạnh, bóng chuyền bãi biển phát triển khá rầm rộ, đấu chán ngoài bãi biển lại vào… sân cát nội thành của các đô thị lớn. Giờ đây, chỉ còn vài địa phương giữ truyền thống đầu tư cho môn chơi này, như Khánh Hòa, Hải Phòng, TPHCM. Mỗi năm vì ít giải đấu, nên không ít VĐV sau thời gian tập luyện đã chuyển vào thi đấu bóng chuyền trong nhà để tìm kiếm cơ hội phát triển và cũng để kiếm đồng lương tươm tất hơn, đặng lo cho cuộc sống. Ngoài các vòng đấu thường niên của giải toàn quốc, bóng chuyền bãi biển chỉ có sự kiện quốc tế quan trọng là Cúp Tuần Châu. Làng bóng chuyền bãi biển nữ vẫn còn nhắc câu chuyện đáng buồn về tuyển thủ Trương Thị Yến, một trong những tài năng của bóng chuyền bãi biển nữ Việt Nam (cùng Nguyễn Thị Mãi hợp thành đôi ăn ý qua 3 kỳ SEA Games 2007, 2009 và 2011), nhưng sau đó mắc bệnh hiểm nghèo và từ giã sự nghiệp thi đấu khá sớm dù tiềm năng của cô rất lớn.
Một HLV bóng chuyền bãi biển Việt Nam cho biết dù tập và thi đấu với cường độ rất cao, nhưng các VĐV bóng chuyền bãi biển thường không được tư vấn dinh dưỡng ở giai đoạn tập luyện hay thi đấu- ăn uống bao nhiêu để có lợi cho sức khỏe mà chỉ dựa trên kinh nghiệm của mình và HLV, chứ không có mức đong đếm để biết thi đấu tiêu hao bao nhiêu năng lượng, phải nạp vào gì để bổ sung cho đủ. Vì thế, việc thiếu dinh dưỡng hay kiệt sức, thậm chí rối loạn tiêu hóa là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thường thì các tuyển thủ bóng chuyền bãi biển tập luyện, đi thi đấu cũng âm thầm. So với trình độ của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, họ không hề thua kém, nhưng vì không nằm trong diện được đầu tư đặc biệt từ ngành TDTT nên có muốn vươn lên tầm châu lục hay thế giới cũng khó. Đấy cũng là lý do khiến những người làm nghề rất khó tìm kiếm VĐV trẻ để đào tạo, hoặc nếu có cũng chỉ dừng ở mức “thường thường bậc trung".