Ở Đông Nam Á có nhiều môn là thế mạnh của thể thao Việt Nam, cứ ra quân đi thi là “lấy cả rổ HCV”, dẫn đầu khu vực. Nhưng cũng những môn ấy không phải bao giờ cũng được đầu tư, chăm chút để vươn lên tầm châu lục, thế giới…
Tại Hải Phòng, đội tuyển rowing vừa chiếm hoàn toàn thế thượng phong, không có đối thủ xứng tầm ở đường đua khu vực, giành đến 13 HCV và 12 HCB trên tổng số 19 nội dung được tổ chức. Thậm chí, VĐV nước chủ nhà không muốn đoạt thêm HCĐ, mà nhường cho bạn bè để “lấy chỗ đi lại”. Mạnh thì đúng là rowing Việt Nam có chỗ đứng vững chắc ở khu vực, thường gây được tiếng vang ở sân chơi châu Á, vừa rồi còn có VĐV dự Olympic Rio de Janeiro 2016.
![]() |
Tiềm năng của rowing nữ luôn rất lớn.
Thế cho nên, điều khiến người làm nghề khu vực ngạc nhiên không phải cách mà các VĐV Việt Nam vượt qua mọi đối thủ để chiếm giữ ngôi số 1 toàn đoàn, mà là cách đầu tư, chăm bẵm cho những tài năng đó tỏa sáng ở đấu trường lớn hơn, cao cấp hơn của Việt Nam chưa đến nơi đến chốn. Thế mới có chuyện, rowing và canoeing là những môn thường xuyên phải… mượn thuyền để thi đấu trong các chuyến xuất ngoại. Điều kiện tập luyện của đội tuyển quen với cảnh sông nước giờ đã được cải thiện nhiều, nhưng so với tầm mức đầu tư của nhiều quốc gia trong khu vực và châu lục cho môn thể thao quan trọng của Olympic, thì Việt Nam vẫn còn khá nghiệp dư.
![]() |
Rowing Việt Nam cần một cuộc đầu tư mạnh mẽ hơn.
5 năm trước, ở thời điểm rowing thất bại trong nỗ lực giành vé dự Olympic London 2012, HLV Nguyễn Văn Thắng đã giãi bày rất cay đắng rằng, vì thiếu thốn kinh phí nên không thể vận chuyển thuyền sang Slovenia để dự giải Vô địch thế giới 2011 nhằm giúp VĐV giành vé đến Olympic 2012. Vì không có thuyền, thuê càng khó hơn nên đoàn Việt Nam chỉ biết trông đợi vào lịch sắp xếp thuyền cho mượn để thi đấu từ phía Ban tổ chức và chất lượng của những trang thiết bị “cho mượn” này thì hỡi ơi quá tệ. Chưa thi nhưng đã biết chắc mình thua thiệt đủ đường, giỏi cỡ mấy cũng đành chấp nhận trắng tay.
Cuộc hành trình lấy vé dự Olympic 2016 có khá hơn, khi Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Thảo và Tạ Thanh Huyền được trang bị tạm cho là đầy đủ để thành công với mục tiêu sự nghiệp của mình. Thế nhưng, khi có vé trong tay, khi đã bước vào cuộc tranh tài với những VĐV hàng đầu thế giới, rowing Việt Nam mới nhận ra rằng chúng ta vẫn còn thua thiệt bạn bè quá xa, cả về cách thức chuẩn bị nhân lực lẫn giáo án huấn luyện, thi đấu cọ xát, chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ…
Lẽ ra, rowing phải được nâng lên nhóm những môn thể thao trọng điểm loại 1, cùng với điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, vật… vì tiềm năng thành tích của môn này rất lớn. Đáng tiếc, năm lần bảy lượt cân nhắc thì rowing vẫn “giậm chân tại chỗ”, muốn thoát khỏi chiếc áo chật chội mà bị kéo trở lại.
Nhìn sang cảnh bộ môn bắn súng có cả nhà vô địch thế giới và Olympic như Hoàng Xuân Vinh vẫn còn khó khăn, tập chay và bắn súng không đạn, dùng bia giấy để cân đo thành tích mà chưa được đầu tư đến nơi đến chốn, thì rowing hay nhiều môn hứa hẹn khác còn lâu mới “bật” được khỏi ao làng khu vực.
Rowing dẫn đầu giải Vô địch Đông Nam Á 2016 kể ra cũng đáng mừng (Thái Lan xếp trí thứ nhì với 4 HCV, 6 HCB và 5 HCĐ; tiếp theo là Malaysia (1 HCV, 6 HCĐ) và Singapore (1 HCV, 4 HCĐ), vì trong ánh mắt của bạn bè, các VĐV Việt Nam là đối thủ quá mạnh, vượt tầm với của họ. Xong, nếu nhận định ngay rằng đấy sẽ là bàn đạp, chỗ dựa cho sự phát triển trong tương lai thì nên cân nhắc lại, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư chưa kỹ lưỡng và quyết liệt của ngành thể thao nước nhà.
|
LÊ QUANG