Giải quần vợt Việt Nam mở rộng 2016 (VietNam Open 2016) chắc chắn là giải cuối cùng của những người đang đảm nhận vai trò quản lý và trong Ban chấp hành Liên đoàn Quần vợt Việt Nam nhiệm kỳ 5.
Giải cuối cho người cũ?
Thực tế, nếu đúng thời hạn, nhiệm kỳ 5 đã hết niên hạn làm việc (theo quy trình 5 năm) vào năm 2015 đã khép lại. Tuy nhiên, lúc này thời gian đã đi gần hết năm 2016 thì Đại hội nhiệm kỳ mới của Liên đoàn Quần vợt vẫn chưa tổ chức. Trước đó, trong chia sẻ trên báo giới, lãnh đạo hiện tại của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam khẳng định tháng 11 sẽ là thời điểm quyết định để tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 6. Thực tế, những nhà quản lý đương nhiệm của nhiệm kỳ 5 sau khi được bầu ra thì tại cấp thượng tầng, không phải ai cũng vừa lòng nhau.

Người hâm mộ hy vọng nhiệm kỳ mới sẽ nâng tầm quần vợt Việt Nam. Ảnh: T.L.
Cách vận hành, quản lý luôn gặp sự xung khắc. Chuyện này, Tổng cục TDTT là cơ quan quản lý về thể thao của nhà nước không thể không biết. Tiếc rằng, không nhiều động thái để làm ổn định nội bộ của quần vợt được Tổng cục TDTT đưa ra. Giống bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ... thì vai trò của Bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) để có sức ép với Liên đoàn Quần vợt không nhiều. Việc trao quyền để Liên đoàn Quần vợt là tổ chức xã hội nghề nghiệp đảm nhiệm các công tác chính về quản lý, thực hiện thi đấu giải, đào tạo, phát triển quần vợt là phù hợp trong xu thế của thể thao chuyên nghiệp. Dù vậy, bộ môn phần nào sắm một số quyền hạn nhất định không phải chỉ thực hiện theo chương trình của Liên đoàn.
Nhiệm kỳ 5, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Danh Thái là người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch. Trong Đại hội của nhiệm kỳ này, 4 Phó chủ tịch đã được bầu gồm ông Nguyễn Minh Tâm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, ông Nguyễn Hữu Lượng, ông Trần Ngọc Lịnh (kiêm Tổng thư ký). Giữa nhiệm kỳ, ông Lịnh xin rút nên vị trí Tổng thư ký do ông Nguyễn Quốc Kỳ đảm nhiệm. Về mặt chuyên môn, quần vợt nhiệm kỳ 5 không phải thiếu điểm sáng như sự xuất hiện và thăng tiến rồi nâng vị thế quần vợt nam nước nhà của Lý Hoàng Nam (cũng có quan điểm rằng đơn vị chủ quản Bình Dương có công lớn đào tạo được Hoàng Nam như lúc này và Liên đoàn Quần vợt Việt Nam chỉ đóng góp ít ỏi). Đội quần vợt nam thi đấu thăng hạng tại Davids Cup khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng cũng ở nhiệm kỳ này, khúc mắc giữa người ở vị trí quản lý với nhau xảy ra không ít.
Rắc rối trong nội bộ
Một Liên đoàn, Hiệp hội thể thao mạnh là tập thể phải đoàn kết. Thật buồn, tố cáo (bằng văn bản) giữa những nhà quản lý đang ở vị trí Phó chủ tịch của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam đang diễn ra làm nhiều người chạnh lòng. Mọi người đều biết được, tâm điểm là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Quốc Kỳ. Những người lên tiếng có Phó Chủ tịch Trần Ngọc Lịnh, Nguyễn Minh Tâm. Chuyện xoay quanh vấn đề quản lý và một điều luôn được xem là cốt rễ của mọi mâu thuẫn: tài chính. Chưa biết các phản ánh đúng hay không đúng nhưng các Phó chủ tịch tố cáo nhau quả thật là chuyện không phù hợp. Trước đó một cá nhân trong Ban chấp hành Liên đoàn nhiệm kỳ 5 là ông Nguyễn Toàn Lực (Tổng trọng tài quốc gia) cũng đưa văn bản phản ánh trực tiếp về ông Kỳ.
Đứng ở giữa, người thấy buồn nhất là người hâm mộ quần vợt, giới chuyên môn. Khi “trong nhà” không ổn định, bất kỳ ai làm cũng khó vững chắc tạo được một sức mạnh tập thể. Còn nhớ, 2 năm gần đây, quần vợt Việt Nam đã gặp tiếng xấu với sự cố như chuyên gia ngoại tố cáo nội bộ đội quần vợt Việt Nam mất đoàn kết khi thi đấu Davids Cup năm 2015. Hay chuyện VĐV Lý Hoàng Nam từng bị cấm thi đấu vì không lên tuyển... Không bằng lòng với nhau, khi ra bầu ban chấp hành mới, một cơn “sóng ngầm” đang chảy là thật sự.
NGUYỄN ĐÌNH