Thể thao Việt Nam giành được 3 tấm HCV tại ASIAD 19 vào năm ngoái ở Hàng Châu (Trung Quốc). Trong những thời điểm thăng hoa khi đó, mỗi khoảnh khắc chiến thắng của HLV, VĐV từng đội tuyển bắn súng, karate, cầu mây đều mang tới cảm xúc hân hoan với người hâm mộ. Phía sau chiến thắng những tấm HCV ấy, vai trò của các bác sỹ thể thao - những người hùng áo trắng - là khá thầm lặng. Bởi lẽ, chỉ từng đội tuyển thể thao quốc gia và Đoàn thể thao Việt Nam hiểu rõ công việc, sự đóng góp chuyên môn của họ để đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho tuyển thủ như thế nào.
Bác sỹ Nguyễn Văn Triển là người được Đoàn thể thao Việt Nam phân công nhiệm vụ theo sát hỗ trợ mọi công tác y tế, chuyên môn y khoa và hồi phục sức khỏe cho đội karate Việt Nam tại ASIAD 19. Nhớ lại những ngày đã thi đấu và giành được tấm HCV kata trong môn đấu này tại ASIAD 19, các tuyển thủ karate nữ của Việt Nam từng bày tỏ “bác sỹ Triển là người rất quan trọng với chúng tôi bởi luôn trao đổi cặn kẽ, hướng dẫn các VĐV làm sao giữ được trạng thái sức khỏe tốt nhất”. Lãnh đội karate Việt Nam tại ASIAD 19 – ông Vũ Sơn Hà cũng cho biết “bác sỹ Triển là người nhiệt tình, chu đáo, có chuyên môn tốt. Trong suốt thời gian chúng tôi làm nhiệm vụ thi đấu tại ASIAD 19, anh Triển bám sát đội tuyển gần như 24/24 để sẵn sàng giúp đỡ VĐV nếu gặp vấn đề đau hay các vấn đề sức khỏe. Bác sỹ Triển còn giúp VĐV hồi phục thể lực đáng kể sau mỗi buổi tập chuẩn bị hay thi đấu kết thúc”.
Khi đội karate Việt Nam giành được tấm HCV nội dung kata (biểu diễn) đồng đội nữ, Đoàn thể thao Việt Nam vui trong chiến thắng. Phương tiện truyền thông đăng tải nhiều hình ảnh về đội tuyển. Dù thế, hiếm tấm hình nào mà đội ngũ bác sỹ (trong đó có bác sỹ Triển) xuất hiện cùng đội tuyển karate Việt Nam trên truyền thông. Bác sỹ thể thao là vậy, họ không mấy khi xuất hiện bên ngoài. Chỉ cần thấy VĐV khỏe, giành chiến thắng chuyên môn đã là niềm vui động viên tinh thần rất lớn cho bác sỹ thể thao vì họ biết mình hoàn thành nhiệm vụ.
Theo sát đội tuyển cầu mây Việt Nam tại ASIAD 19 là bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng của Viện khoa học TDTT. Bác sỹ Thắng là thành viên tổ y tế Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, nhận nhiệm vụ chuyên môn với đội tuyển cầu mây. “Chúng tôi vẫn gọi đùa vui anh Thắng là thần y, bởi các công tác về y tế, sức khỏe là chuyên môn chuyên biệt và bác sỹ được phân công luôn trách nhiệm hết khả năng của mình cùng các HLV đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho VĐV”, lãnh đội cầu mây tại ASIAD 19 – ông Lê Thanh Sơn nhớ lại. Cầu mây hay karate là môn thể thao đối kháng, rất dễ xảy ra chấn thương. Đó là lý do vì sao ở mọi trận đấu, chỉ khi tuyển thủ rời sân trong an toàn, bác sỹ như ông Thắng mới yên tâm nở nụ cười. Hẳn nhiên, những chi tiết nhất về công việc của bác sỹ Thắng trong quá trình đồng hành cùng đội cầu mây Việt Nam ở ASIAD 19 khó chia sẻ ra bên ngoài do đó là nguyên tắc chuyên môn. Nhưng, tập thể đội cầu mây Việt Nam đều dành lời cảm ơn tới vị bác sỹ này sau khi đạt những kết quả huy chương toại nguyện.
Trong khi đó, bác sỹ Nguyễn Thị Mỹ Hà là người theo và làm nhiệm vụ chuyên môn y tế với đội tuyển bắn súng Việt Nam. Xuyên suốt thời gian đội tuyển bắn súng Việt Nam tập luyện chuẩn bị chuyên môn ở Việt Nam, bác sỹ Hà luôn túc trực, sẵn sàng mọi công tác chuyên môn nếu xảy ra trường hợp chấn thương. Ở ASIAD 19, bác sỹ Hà không cùng đội tuyển bắn súng tới Hàng Châu (Trung Quốc) dẫu thế nhiều thành viên đội tuyển bắn súng Việt Nam chia sẻ ghi nhận sự tận tình hỗ trợ của bác sỹ Hà ở mọi thời điểm. Bắn súng là môn đặc thù, việc xảy ra chấn thương nghiêm trọng với xạ thủ vô cùng hãn hữu nhưng trách nhiệm của một bác sỹ vẫn luôn được đề cao nhất và bác sỹ Hà luôn dành được thiện cảm từ các xạ thủ.