Nhìn lại mình đi!

Nghe đâu thủ môn Thanh Thắng của đội Đồng Nai “quậy” trọng tài khi cho rằng ông này ngập ngụa hơi men, rồi sau đấy bị VFF xử treo găng vài trận vì tội… nói xằng!

Cứ khi trên sân cầu thủ phản đối trọng tài là y như rằng, dư luận sẽ đánh giá về chất lượng trọng tài. Ít ai chú ý đến thái độ và cách hành xử của các cầu thủ đối với người “cầm cân nẩy mực” đáng tuổi anh, tuổi chú của mình.

Ngay như ngôi sao Lê Công Vinh cũng đã từng bị tố giác là đã chửi thẳng vào mặt trọng tài. Không chỉ một lần. Chuyện anh tế sống trọng tài trên sân Cao Lãnh mùa trước chỉ là… chuyện nhỏ.

Trọng tài sai thì có quyền phản ứng, nhưng phản đối cũng phải có văn hóa bởi trọng tài cũng chỉ là một con người có trình độ xã hội còn cao hơn cả cầu thủ. Đấy là chưa nói, 10 vụ phản đối trọng tài thì có đến 5-7 lần cầu thủ sai. Thế nhưng, thói quen ấy cứ dần dần trở thành căn bệnh. Chỉ cần nghe tiếng còi dừng trận đấu là lao tới, hoa tay múa chân trước mặt một người lớn tuổi hơn mình.

Một hình ảnh có lẽ là không nên xuất hiện trong sân cỏ, lại quen thuộc: Lực lượng công an, cảnh sát có trang bị vũ khí luôn có mặt trong sân. Phải ở mức kém an toàn như thế nào thì mới  nhờ cậy đến sự có mặt của cơ quan đặc nhiệm như thế. Mỗi vụ lộn xộn trên sân lại thấy bóng dáng công an can thiệp, thì liệu có còn là bóng đá hay không, hay là một kiểu hành xử ngoài đường?

10 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì có một thứ duy nhất, chẳng thấy các nhà điều hành đề cập: trình độ văn hóa và ý thức nghề nghiệp của cầu thủ. Cho đến nay, giới lao động đặc thù này chưa có hội hay nghiệp đoàn chính thức dù họ đang được xem là một thành phần lao động có thu nhập cao. Mang tiếng là cầu thủ chuyên nghiệp nhưng sự am hiểu luật lệ, cách hành xử có văn hóa lại thiếu đến mức báo động ở các cầu thủ. Đẳng cấp của họ được đánh giá dựa trên tiền chuyển nhượng chứ không phải mức độ cống hiến.

Vì thế, yêu cầu họ đá bóng để phục vụ, phô diễn kỹ thuật vì sự đam mê và cư xử có văn hóa là điều… ảo tưởng!

Việt Long

Tin cùng chuyên mục