Trong khi các đối thủ của họ đều vất vả với việc mua - bán hoặc giữ chân các trụ cột, thì Man.City lại có được một trong những chữ ký “hot” nhất thế giới cùng Erling Haaland, xây chắc hệ thống tiền vệ với cầu thủ người Anh Kalvin Phillips, nhưng vẫn bỏ túi khoản lãi 26 triệu bảng Anh nhờ bán cầu thủ.
Man.City thực hiện điều đó một cách nhẹ nhàng, yên ắng. Chẳng hạn như việc Sterling đến CLB Chelsea hay Jesus đến CLB Arsenal, toàn là các đối thủ tiềm năng, nhưng lại chẳng có vẻ gì khiến Man.City phải lo lắng. Có vẻ như họ luôn có phương án kinh doanh từ trước, không bao giờ đặt mình vào thế bị động.
Với sự cầm trịch của vị giám đốc bóng đá lừng danh Txiki Begiristan, hoạt động nhân sự ở CLB Man.City luôn có chiến lược rõ ràng. Lúc nào họ cũng có sẵn phương án dự phòng, và những người mà họ muốn có đều được săn lùng một cách hiệu quả từ sớm. Nếu không được cũng không sao, ngay cả trong trường hợp cả mùa Man xanh đá không cần tiền đạo. Ví dụ như ở mùa hè trước, họ từ chối thương vụ Ronaldo một cách mau lẹ kể cả khi ai cũng tưởng sẽ chốt xong. Và như đã biết, Man.City không hối tiếc.
Trong năm đầu tiên thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn đầu tư Abu Dhabi, ngân sách chuyển nhượng của Man.City là 132 triệu bảng Anh, rồi tăng thêm 28 triệu bảng Anh ở mùa đông. Sau đó, mỗi năm đều tăng và đạt đỉnh vào mùa giải 2017-2018 với 290 triệu bảng Anh bỏ ra vào mùa hè và thêm 82 triệu bảng Anh vào mùa đông. Các khoản đầu tư đó luôn bị dè bỉu, cho rằng Man xanh “bỏ tiền mua thành tích”. Nhưng thực tế là hồi tháng 1 vừa qua, Man.City báo cáo doanh thu mùa 2020-2021 đạt mức 570 triệu bảng Anh, lần đầu tiên vượt qua CLB Man.United.
Như vậy, trên sân cỏ cũng như hoạt động kinh doanh, Man.City đều vượt trội so với phần còn lại của giải ngoại hạng Anh. Nếu như người ta vẫn nghi ngờ, cho rằng doanh thu của Man.City đến từ nguồn tài chính Ả Rập, thì với việc có lãi từ chuyển nhượng, Man.City đã chứng minh sự hiệu quả của mình. Nói cách khác, họ đã đưa ra một chuẩn mực mới: Kiếm tiền nhiều, có lãi và gặt hái danh hiệu.
Không một CLB nào trên thế giới cùng lúc làm được cả 3 điều ấy. Man.City đã thực sự cho thấy cái gọi là hoạt động “đầu tư bóng đá” sinh lợi nhuận là có thật. Việc họ sở hữu đến 13 CLB khác nhau trên toàn cầu rõ ràng không phải là chuyện “ném tiền qua cửa sổ”.
Hãy xem cách họ sở hữu cầu thủ Haaland, mới 21 tuổi, với giá chỉ 51 triệu bảng Anh dù phải ganh đua cùng CLB Real Madrid. Họ mua Phillips ở tuổi 26, mua tiền đạo 22 tuổi Julian Alvarez với giá chỉ 14 triệu bảng Anh. Đó đều là những khoản đầu tư, nhưng vẫn bảo đảm là sẽ dùng được ngay lúc này. Đây cũng là cách mà Man.City đã làm với các cầu thủ Sterling, Zinchenko hay Nathan Ake, Jesus. Sử dụng tốt nhưng vẫn có thể bán đi để thu lãi khi cần thiết.