Với người làm bơi và những người theo sát bơi lội lâu năm, VĐV Nguyễn Thị Kim Tuyến là tuyển thủ quen thuộc ở đường đua xanh. Còn nhớ, đang ở đỉnh cao của phong độ và trong độ tuổi đẹp nhất của đời VĐV, nữ kình ngư này bất ngờ giã từ thi đấu bơi thành tích cao vào năm 2015. Lúc đó, Kim Tuyến ở tuổi 21 và đang là tuyển thủ quốc gia. Nhiều người bảo, thật tiếc và cũng thật phí vì nhà quản lý không giữ được cô ở lại thi đấu. Nhưng với tính cách của bản thân và sự suy nghĩ chín chắn, Kim Tuyến quyết định dừng bước để tìm một cơ hội khác cho cuộc sống.
Trước khi Kim Tuyến giải nghệ ở đường đua xanh, kỳ SEA Games 2013 tại Myanmar là lần cuối cô góp mặt với vai trò một tuyển thủ của Đoàn thể thao Việt Nam.
Bẵng đi ngần ấy năm, bây giờ, Kim Tuyến lại là tuyển thủ của thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 nhưng là của 3 môn phối hợp và thi đấu trong nhóm nội dung aquathlon (bơi – chạy). Mọi người nhìn nhận đây là một bất ngờ. Kim Tuyến chỉ cười và trải lòng “thực chất năm 2019 tôi đã quay lại SEA Games 30 ở Philippines trong 3 môn phối hợp (triathlon) rồi. Đó là lần đầu, đội Việt Nam mình thành lập môn này và có VĐV tham gia thi”.
Thế nhưng, chính Kim Tuyến trải lòng rằng sau cuộc đấu tại SEA Games 30 ở Philippines thì cô bị mất động lực tập và bản thân ngưng tập 3 năm. Với một người đã quá đam mê đường đua xanh rồi bây giờ có nguồn cảm hứng từ chạy bộ, sự đau đáu trong bản thân về việc phải thể hiện đúng nhất khả năng đã không cho phép Kim Tuyến bỏ hết tất cả.
Cô kể rằng “từ tháng 6 năm ngoái, tôi được biết Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 tổ chức nội dung aquathlon trong chương trình thi đấu chính thức. Mình đã bắt đầu trải nghiệm lại việc tập luyện. Sau đó, tôi có thành tích tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 sau đó được ban huấn luyện chọn dự SEA Games 32 lần này. Cảm giác của mỗi kì SEA Games rất khác nhau, nhưng lần nào cũng là lần tôi rất quyết tâm, có nhiệt huyết hết mình kể cả khi là tuyển thủ bơi hay bây giờ là tuyển thủ 3 môn phối hợp. Mỗi kỳ đấu là một cột mốc để tôi hoàn thiện và trưởng thành hơn”.
Đường đua xanh ở các giải bơi trong nước trong giai đoạn 2007 cho tới 2015 vẫn nhớ Nguyễn Thị Kim Tuyến là một trong những kình ngư mạnh mẽ nhất trong các nội dung nữ. Cô từng là thành viên dự chương trình tập huấn tại Mỹ ở năm 2012 (khi đó có Ánh Viên cũng góp mặt) và dấu ấn chuyên môn của nữ tuyển thủ này với người làm về bơi trong các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc mà cô góp mặt luôn đáng nhớ.
Rời sự nghiệp của VĐV thi đấu bơi lội thành tích cao, Kim Tuyến đã hoàn tất tấm bằng tại Đại học sư phạm TDTT TPHCM rồi đã có lúc làm HLV dạy bơi ở khu vực Quận 4 (TPHCM). Nhưng với bản thân Kim Tuyến, mỗi hướng đi mới đều có sự quyết định phù hợp mà mình đặt niềm tin.
“Với kỳ SEA Games 32 này, theo tôi được biết, nội dung aquathlon lần đầu được tổ chức cùng triathlon (bơi – đạp xe – chạy bộ) và duathlon (chạy bộ - đạp xe). Do là lần đầu nên chưa có một thời gian nhất định cho cự ly, vì thế tôi sẽ nỗ lực hết mình để đạt thành tích tốt nhất cho đội tuyển”, Kim Tuyến nói thêm.
Từ nhìn nhận của mình, Kim Tuyến kể rằng để thích nghi với chạy bộ cũng không dễ vì đó là môn thể thao cần sức bền và một quá trình tích lũy. Nhưng với sự đam mê về thể thao phối hợp và sự quyết tâm bản thân nên cô dần đạt được những chỉ số phù hợp cho chạy bộ cũng như có được chiến thuật tốt nhất khi thi đấu. Hai giải gần nhất Kim Tuyến tham dự là vô địch các câu lạc bộ triathlon toàn quốc 2022 và Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, ít nhiều, cô rút được kinh nghiệm cho bản thân dù mình là người ở nhóm tranh huy chương. Bởi, từ tập luyện tới khi thi đấu thực tế có sự khác biệt và tất cả luôn thận trọng. Dẫu vậy, cô vẫn đùa vui rằng mình đã đổi đuôi cá của một kình ngư để lên bờ chạy bộ tranh tài.
Kim Tuyến đang nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 32. Ảnh: NI NGUYỄN |
Trước mắt, mọi sự chuẩn bị của đội tuyển triathlon Việt Nam đều rất kỹ càng. Kim Tuyến thận trọng nhưng cũng đầy mạnh mẽ nhắm cho một kết quả đúng như trong tập luyện.
Cô chia sẻ “Môn aquathlon gồm bơi và chạy. Vì thể trạng là một VĐV bơi nên cổ chân của tôi sẽ mềm và dẻo đó lại là bất lợi đối với bộ môn chạy. Khi chạy, VĐV cần cổ chân cứng và mạnh do đó tôi tự đánh giá phần chạy của mình còn yếu sau quá trình tập từ những tháng cuối năm ngoái. Xác định được phần mình cần phải cải thiện nên tôi lấy nó làm mục tiêu mỗi khi tập. Sau vài tháng nhờ sự hỗ trợ của HLV và đồng đội, tôi đã cải thiện được nhịp độ chạy, kiểm soát được những vấn đề của bản thân như thế nào khi chạy. Mọi thứ đang đi theo đúng những gì tôi đã đặt ra...”.