Nghịch lý sân Hàng Đẫy, Mỹ Đình

Việc xác định sân Hàng Đẫy sẽ là sân nhà của 2 câu lạc bộ (CLB) nào trong 3 cái tên Hà Nội, Công an Hà Nội và Thể Công Viettel hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đảm bảo phù hợp với quy định của AFC. Ở cách đó không xa, sân vận động quốc gia Mỹ Đình lại ở trong tình trạng “đắp chiếu” vì có rất ít người thuê khiến kinh phí duy tu, bảo dưỡng không có và ngày qua ngày tiếp tục xuống cấp, không chỉ với mặt cỏ.

Nghịch lý sân Hàng Đẫy, Mỹ Đình

Có rất nhiều nghịch lý trong câu chuyện này. Thứ nhất, đó là chuyện 3 đội bóng cùng chọn một sân bóng để đá cùng một giải đấu. Về lý thuyết không thể, vậy mà chuyện này đã tồn tại 2 năm qua.

Các nhà tổ chức có thể khéo léo thu xếp được lịch thi đấu để các đội không dẫm chân nhau, nhưng mặt cỏ làm sao có thể chịu được tần suất mỗi tuần có đến 2 trận đấu, có khi đến 3-4 trận diễn ra.

Trời mưa thì kiểu gì đội đá trận sau cũng bị ảnh hưởng. Đây là việc đã được biết trước, nhưng rất tiếc là chẳng CLB nào quan tâm chọn sân khác cho mình, để đến khi AFC “tuýt còi”, lại chuyển sang tranh cãi “xí phần”.

Nghịch lý thứ hai, là sự ế ẩm của sân Mỹ Đình. Sân bóng này không xa trung tâm, cũng không đến mức quá lớn khi sức chứa chỉ hơn 30.000 chỗ ngồi, kém xa các sân quốc gia của nhiều nước ở Đông Nam Á khác. Cơ chế của sân cũng là tự thu - tự chi, không bắt buộc “để dành” cho riêng đội tuyển quốc gia (dù khi đội tuyển đá, VFF cũng phải trả tiền thuê sân).

Nghĩa là nếu ban quản lý sân Mỹ Đình nhạy bén trong kinh doanh, việc Hà Nội đang có đến 3 CLB chuyên nghiệp chính là thời cơ để họ đưa ra một “đề nghị không thể từ chối” nhằm tạo nguồn thu. Vậy mà chẳng hiểu sao, trong các giải pháp cho câu chuyện sân Hàng Đẫy, người ta chỉ bàn đến chuyện sẽ có một đội lấy sân Phú Thọ hoặc Thái Nguyên làm sân nhà, không thấy đề cập đến sân Mỹ Đình.

Hai nghịch lý nêu trên là lực cản lớn nhất, tiêu biểu nhất cho những khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thể thao tại Việt Nam. Nó liên quan đến việc khai thác, vận hành và kinh doanh những sân bóng nói riêng và các cơ sở thể thao nói chung. Đa phần các sân bóng ở Việt Nam đều là cơ sở công, khi xây dựng đều hướng đến đa chức năng chứ không chuyên biệt cho bóng đá. Xây xong rồi thì lại không giải nổi bài toán khai thác nguồn thu chỉ vì mục đích xây dựng là phục vụ chứ không nhắm đến chuyện kinh doanh.

Nếu một CLB bóng đá có ý định đầu tư lâu dài, việc đầu tiên họ nghĩ đến phải là tìm cách sở hữu một sân bóng phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh doanh của mình. Có như vậy mới tính được việc thuê đất ở đâu, cơ chế ưu đãi từ địa phương ra sao, đầu tư bao nhiêu tiền và kinh doanh gì để thu hồi vốn.

Bằng không thì vẫn tiếp tục câu chuyện: sân bóng không thiếu nhưng lại chẳng đủ để tạo ra sự phát triển cho cả địa phương lẫn bóng đá chuyên nghiệp.

Tin cùng chuyên mục