Ngã rẽ của tài năng

Sáng nay, 27-8 (theo giờ Việt Nam), tại vòng 1 US Open, giải Grand Slam cuối cùng trong năm, huyền thoại Federer có trận ra quân với tay vợt người Ấn Độ Sumit Nagal mới lần đầu tiên được thi đấu ở vòng chính thức của một Grand Slam.

Đối thủ của Federer hẳn nhiên không phải là người mà thế giới quan tâm, ngoại trừ anh tạo ra được cơn địa chấn nào đó, nhưng với người hâm mộ quần vợt Việt Nam thì đó là cái tên rất quen thuộc. Sumit Nagal, năm nay 22 tuổi, đã từng vô địch đơn nam trẻ ở Wimbledon 2015 cùng với Lý Hoàng Nam của chúng ta.

Quần vợt không phải là môn thể thao được ưa chuộng tại Ấn Độ, nơi mà bóng đá còn xếp ở hàng thứ 3, thứ 4. Nói cách khác, xuất phát điểm của Lý Hoàng Nam và Nagal gần như nhau. Họ cũng tương đương về chiều cao, độ tuổi và cân nặng.

Nhưng hiện Nagal đang ở hạng 190 ATP, đã được dự 3 vòng loại của các Grand Slam trong năm nay trước khi giành suất chính thức ở US Open, thì Lý Hoàng Nam hạng 482 ATP và chưa từng được tham gia vòng loại Grand Slam. Sự khác biệt ấy là một bài toán mà những nhà quản lý thể thao Việt Nam cần mổ xẻ và tìm hiểu.

Trong những trở ngại khiến thể thao Việt Nam không vươn đến tầm thế giới có các giới hạn về thể chất hoặc mức độ phổ thông của một số môn thể thao, nhưng câu chuyện của Lý Hoàng Nam và Nagal cho chúng ta một góc nhìn khác. Phải chăng đó là vấn đề của công tác đầu tư, điều kiện thi đấu và cả góc độ quản lý tài năng của những người làm thể thao?

Một câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở môn bóng đá. Trước trận Thái Lan - Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 sắp diễn ra, phía Thái Lan sẽ không có sự phục vụ của 3 ngôi sao đang chơi bóng ở giải Nhật Bản trước ngày 2-9 do vẫn còn phục vụ CLB. Trong khi đó, cầu thủ Công Phượng của Việt Nam cũng sẽ từ Bỉ bay thẳng sang Thái Lan để hội quân chỉ 3 ngày trước trận đấu.

Người Thái buộc phải chờ các cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài là đúng. Bởi đó đều là những ngôi sao thực thụ, vẫn đang đóng góp cho CLB của họ. Đặc biệt là Chanathip, cầu thủ chỉ cao 1,58m nhưng lại giữ vị trí trụ cột ở CLB Sapporo.

Ngược lại, Công Phượng hầu như không ra sân thi đấu từ tháng 6 đến nay, kể từ sau khi chuyển từ Hàn Quốc sang Bỉ. Thực tế thì kể từ sau Asian Cup 2019 đến nay, số phút thi đấu của Công Phượng rất ít trong số trận được ra sân chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một cầu thủ có trạng thái như vậy thì liệu có nhất định phải được triệu tập, thậm chí là tập trung rất muộn hay không? Với chỉ 1-2 ngày tập chung với đội tuyển, liệu Công Phượng có thể ra sân không?

Nếu anh được ra sân, hóa ra đội tuyển Việt Nam đâu cần phải chọn lọc cầu thủ mới làm gì khi không cần phải thi đấu vẫn được “auto” suất đá chính. Còn nếu Công Phượng không thể ra sân vì thể lực và phong độ, việc triệu tập anh chẳng khác gì tước đi cơ hội của người khác?!

Cái cách mà chúng ta cư xử với những tài năng thể thao quả là khác biệt với thế giới. Chúng ta dường như dành quá nhiều ưu ái cho một vài cá nhân xuất sắc, trong khi đó với thể thao đỉnh cao, sự sàng lọc và cạnh tranh mới là nền tảng để phát triển. Những ngôi sao trẻ của thể thao Việt Nam thường nhận được sự tung hô quá mức trong khi với thể thao chuyên nghiệp, mọi thứ sẽ vô nghĩa nếu không thể hiện được gì khi trưởng thành.

Tin cùng chuyên mục