Năm 2024 là giai đoạn bản lề tuyển chọn VĐV tài năng

Tuyển chọn, đào tạo lực lượng VĐV tinh và nhuệ là điều nhà quản lý thể thao Việt Nam luôn đau đáu qua nhiều giai đoạn, qua đó năm 2024 này là sự khởi đầu thực hiện việc tuyển chọn sát sao nhất đối với giải pháp dài hạn phát triển thể thao Việt Nam hướng tới đấu trường Olympic, ASIAD.

Thể thao Việt Nam vẫn muốn tìm kiếm nhiều hơn những gương mặt để đạt tấm HCV ASIAD như xạ thủ Phạm Quang Huy. Ảnh: ĐOÀN TTVN
Thể thao Việt Nam vẫn muốn tìm kiếm nhiều hơn những gương mặt để đạt tấm HCV ASIAD như xạ thủ Phạm Quang Huy. Ảnh: ĐOÀN TTVN

> Thể thao Việt Nam sẽ có giải pháp đột phá đầu tư

Phân tích và xây dựng kế hoạch về định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030, Cục TDTT đã vạch định chi tiết giải pháp dài hạn về mục tiêu phát triển cụ thể đối với lực lượng con người.

Ngành thể thao có kế hoạch tuyển chọn VĐV để xây dựng lực lượng lâu dài. Có 3 nhóm VĐV được xây dựng kế hoạch để tuyển chọn gồm Nhóm 1 (nhóm VĐV tập huấn dài hạn ở nước ngoài, khoảng 3 VĐV xuất sắc, có khả năng tranh chấp HCV ASIAD 20 và đạt chuẩn tham dự Olympic từ 5 tới 6 môn), Nhóm 2 (nhóm VĐV kết hợp tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu dài hạn ở nước ngoài theo chế độ đặc thù, trong đó có khoảng 150 VĐV của 9 tới 10 môn thể thao có khả năng giành huy chương ASIAD các môn đã bao gồm các môn trong nhóm SEA Games, ASIAD và Olympic), Nhóm 3 (nhóm VĐV tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài theo chế độ hiện hành và các nguồn xã hội hóa được quan tâm như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, golf). Theo kỳ vọng, nhóm tuyển thủ trọng điểm hướng tới khả năng tranh chấp huy chương ASIAD 20 năm 2026 và dự báo đạt chuẩn Olympic năm 2024, Olympic năm 2028 được sự ưu tiên cao nhất nhận mọi đầu tư, trong đó có các kế hoạch tập huấn, thi đấu dài hạn ở nước ngoài tại nơi có sự phát triển ở nội dung và môn thể thao đó.

Trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán 2024, ngành thể thao đã họp nhiều lần về vấn đề hoàn thiện quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia. Trước đây Tổng Cục TDTT (bây giờ là Cục TDTT) đã triển khai xây dựng quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia từ năm 2021. Khi quy chế, quy định này được hình thành, ngành thể thao đã xin ý kiến từ các đơn vị liên quan, trong đó thu nhận nhiều ý kiến thực tiễn từ Liên đoàn, Hiệp hội thể thao nhiều môn tại Việt Nam. Dù thế, để đi vào thực hiện và áp dụng quy chế, quy định trên, nhà quản lý cần kiện toàn hơn các tiêu chí bởi khi ban hành phải phù hợp với thực tiễn cũng như thể thao khu vực, thể thao châu Á, thể thao thế giới liên tục vận động đổi mới qua từng năm nên thể thao Việt Nam phải cập nhật cái mới, tránh theo lối cũ như trước.

Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt từng cho biết “tiêu chí tuyển chọn của từng môn thể thao có đặc thù riêng và sát với thực tế thì mới không bị thiếu sót mỗi khi tìm kiếm VĐV tốt nhất cho thể thao nước nhà”.

vien-1-7545.jpg
Tới lúc này, thể thao Việt Nam vẫn chưa tìm được thêm tuyển thủ bơi tiếp theo có sự bứt phá như Nguyễn Thị Ánh Viên trước đây. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cuối năm 2023, lãnh đạo Cục TDTT đã làm việc cụ thể với nhiều bộ môn thể thao thành tích cao hướng tới triển khai các chương trình theo mục tiêu đề ra của Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Đề án được Chính phủ phê duyệt từ năm 2019. Mục tiêu của Đề án về đào tạo huấn luyện thể thao thành tích cao là phấn đấu tới năm 2035 sẽ tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 VĐV đội tuyển quốc gia (trong đó khoảng 400 VĐV đạt thành tích quốc tế) đồng thời tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 HLV tài năng (trong đó khoảng 60 HLV cao cấp). Ở mục tiêu về đào tạo bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao, Đề án hướng tới năm 2035 sẽ tuyển chọn đào tạo khoảng 400 cử 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ đồng thời bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người. Ngành thể thao triển khai Đề án theo 2 giai đoạn 2019-2025 và giai đoạn 2026-2035.

Do thế, năm 2024 được Cục TDTT xác định là thời điểm trọng tâm thực hiện triệt để các công tác tuyển chọn con người với thể thao thành tích cao.

Báo cáo tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 (tháng 12-2023), Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cho biết “công tác tuyển chọn VĐV do chuyên gia, nhà quản lý chuyên môn cùng ban huấn luyện các đội tuyển thể thao thực hiện kỹ lưỡng nhất, có áp dụng các kỹ thuật khoa học. Tuyển chọn VĐV dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có căn cứ vào độ tuổi, dự báo phát triển thành tích chuyên môn, dự báo khả năng đạt đỉnh chuyên môn tới năm 2026 và khả năng phát triển sau năm 2026 chuẩn bị cho năm 2028 và những năm kế tiếp...”.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2024 sắp khép lại sau đây 1 ngày, các đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị trở lại guồng tập luyện, thi đấu tại năm Giáp Thìn.

Tin cùng chuyên mục