Môn thể thao 'quý tộc' loay hoay tìm hướng đi

Ở Đông Nam Á, các kiếm thủ Việt Nam thuộc diện “có số”, cứ ra quân tại đấu trường SEA Games là giành HCV, chiếm lĩnh nhiều nội dung, cả cá nhân kiếm chém, kiếm 3 cạnh cho đến nội dung đồng đội nam, nữ. Có điều, việc tạo nguồn kinh phí để đầu tư cho môn thể thao này gặp nhiều gian truân, kể cả nguồn từ ngành TDTT cho đến xã hội hoá.

Đấu kiếm Việt Nam giàu tiềm năng nhưng luôn gặp khó khăn trong định hướng phát triển. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đấu kiếm Việt Nam giàu tiềm năng nhưng luôn gặp khó khăn trong định hướng phát triển. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thành tích quốc tế không ít, tiềm năng phát triển cũng lớn, thế nhưng đấu kiếm Việt Nam vẫn luôn gặp phải những khó khăn trong đào tạo lực lượng và nâng tầm trình độ. Bộ môn vốn được cho là “quý tộc” này đang đương đầu với những thử thách trong nỗ lực chuẩn bị cho SEA Games 31 trên sân nhà và tìm kiếm suất dự Olympic Tokyo 2020 vào năm sau.

Đấu kiếm Việt Nam được giao chỉ tiêu đoạt vé dự Olympic Tokyo 2020, đồng thời phải giành được từ 5-6 HCV tại SEA Games 31. Tức là theo nhận định của người quản lý bộ môn đấu kiếm của Tổng cục TDTT, ông Phùng Lê Quang, các kiếm thủ Việt Nam như Phước Đến, Tiến Nhật, Thành An, Đức Anh, Hoài Thu… sẽ phải “bấm máy” ngay từ đầu năm 2020, để chuẩn bị cho cuộc chinh phục ở phía trước, dù gần như không có được sự hậu thuẫn đáng kể nào.

Hiện tại, cả nước chỉ có 8 tỉnh, thành và ngành 8 đầu tư cho môn đấu kiếm, là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh và Công an nhân dân. Nguồn chính cung cấp các tuyển thủ quốc gia vẫn thuộc về Hà Nội và TPHCM. Có điều, nói như HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn, mức kinh phí đầu tư cho đấu kiếm Việt Nam khá khiêm tốn (thường thì sẽ chờ từ nguồn của Tổng cục TDTT và địa phương), chỉ đủ tập trung cho một số VĐV tham dự 3-4 giải quốc tế mỗi năm, trong khi nhu cầu được thi đấu cọ xát với các kiếm thủ quốc tế rất cao để nâng cao trình độ ít khi được đáp ứng. Chính vì vậy, theo ông Tuấn, thầy trò đội tuyển chỉ còn cách “liệu cơm gắp mắm”, tự tìm giải pháp để thi đấu nội bộ nhiều hơn để ít nhất giúp VĐV không sa sút về phong độ, ý chí.

Môn thể thao 'quý tộc' loay hoay tìm hướng đi ảnh 1 Các kiếm thủ Việt Nam (trái) có vị thế đáng nể ở đấu trường SEA Games.
Ông Phùng Lê Quang nhấn mạnh rằng khả năng vận động tài trợ, xã hội hoá cho bộ môn đấu kiếm không hề dễ dàng, bởi lẽ môn thể thao này chưa tạo được độ phủ rộng khắp về phong trào, không có được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ thể thao, hơn nữa lại khá tốn kém nếu muốn theo đuổi. Cho nên, đấu kiếm Việt Nam buộc phải tự hài lòng với những điều kiện hạn hẹp hiện nay, trong đó có cả việc thiếu kiếm mới để tập luyện, thi đấu. Điều quan trọng nữa, tức là cần có thêm nhiều hơn 8 tỉnh, thành và ngành tham gia đầu tư cho môn đấu kiếm, vừa tạo thêm nguồn lực VĐV, lại vừa lan toả phong trào, kích thích ngày càng nhiều người cùng tập luyện, gia tăng hiệu ứng yêu thích…

Vậy sáng kiến của đội tuyển đấu kiếm là gì? HLV Phạm Anh Tuấn nói ngay: “Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thế này, đội tuyển đấu kiếm từ đầu năm chỉ tập huấn trong nước. Không có giải đấu quốc tế, nên thầy trò chúng tôi khắc phục bằng cách biến các kiếm thủ giỏi nhất thành “quân xanh” để giúp các VĐV trẻ và những gương mặt dự kiến sẽ tham dự SEA Games 31 tập với nhau hàng ngày. Chỉ có cách đó mới mong trình độ của các VĐV trẻ tiến bộ và đủ sức thực hiện sứ mệnh thành tích cho đội tuyển quốc gia.

Môn thể thao 'quý tộc' loay hoay tìm hướng đi ảnh 2 Kiếm thủ Vũ Thành An (phải) giúp đấu kiếm Việt Nam đoạt HCV tại SEA Games 30.
Chưa kể, vì thực trạng phát triển chưa đồng đều ở các đơn vị, nên HLV Phạm Anh Tuấn cho biết đã đề xuất bộ môn và Tổng cục TDTT đưa các phân môn của đội tuyển trẻ quốc gia về tập huấn ở các địa phương. Việc này có thể giúp nâng cao kỹ thuật cho VĐV địa phương, đồng thời khiến những nhà quản lý thể thao địa phương nhìn nhận rõ hơn về tiềm năng phát triển của bộ môn đấu kiếm, từ đó mới đầu tư quyết liệt hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục