Món quà an ủi

Hôm qua 13-9, Đoàn thể thao Việt Nam đã làm lễ xuất quân tham dự Asian Games lần thứ 17. Trước đó, các đội tuyển Olympic bóng đá nam và một vài đội tuyển khác đã lên đường sang Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc tranh tài. Chỉ tiêu đoạt 2-3 tấm HCV được cho là khả thi, song vẫn cần tinh thần nỗ lực và ý chí thi đấu quật cường vì vinh quang của thể thao Việt Nam từ các gương mặt ưu tú nhất được tuyển chọn.

Nhưng có vẻ như khi không khí ủng hộ đội tuyển U.19 Việt Nam đá giải vô địch Đông Nam Á lên cao ngất, giới mộ điệu bỗng quên mất thể thao nước nhà đang tất bật cho sự kiện thể thao hàng đầu châu Á. Ở đâu người ta cũng nhắc đến cuộc hành trình như mơ của Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, HLV Guillaume Graechen… Các cơ quan truyền thông gần như trưng dụng hết trang mục có thể để truyền tải hình ảnh, thông tin và niềm vui ngất ngây về đội tuyển U.19 Việt Nam.

Trong bối cảnh như thế, vô tình buổi lễ xuất quân đêm qua của Đoàn thể thao Việt Nam trở nên nhỏ bé và chìm khuất giữa trận chung kết giải U.19 - Cup Nutifood, nơi thầy trò HLV Graechen tái đấu với U.19 Nhật Bản để khẳng định họ đã thực sự lớn mạnh, đã chiếm trọn tình yêu của người hâm mộ cả nước.

Nhiều tuyển thủ quốc gia trước “trận đánh lớn” Asian Games bỗng tủi thân, thèm thuồng cái cảm giác được quan tâm đặc biệt, được động viên kịp thời và được tung hô như thế để tự tin hơn và nung nấu một khí thế hừng hực khi bước vào tranh tài. Tiếc thay, điền kinh, bơi lội hay bắn súng… chứ không phải là bóng đá - môn thể thao Vua xưa nay đã vượt trội hoàn toàn cả về tầm mức đầu tư lẫn sự quan tâm của giới mộ điệu.

Rồi may thay, bầu Hiển - người rất nổi danh trong làng bóng đá Việt Nam - cùng với Tổng Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) đã kết hợp với Ủy ban Olympic quốc gia treo mức thưởng lớn cho VĐV đoạt thành tích cao ở Asian Games 17. HCV cá nhân sẽ nhận 50 triệu đồng, HCB và HCĐ nhận 30 triệu và 15 triệu (nếu đoạt HCV đồng đội sẽ nhận gấp đôi tiền thưởng).

Theo ông Lâm Quang Thành - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam - thì đấy chính là món quà an ủi, góp phần kích thích mỗi tuyển thủ quốc gia nỗ lực hơn trong cuộc tranh tài hàng đầu châu lục tới đây. Hơn nữa, điều đó sẽ giúp kích cầu các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia tích cực vào công cuộc xã hội hóa thể thao đang có chiều hướng bế tắc vì sự khó khăn chung về kinh tế.

Khoản tiền thưởng cho VĐV đoạt HCV ở Incheon 2014 chắc chắn không bằng một góc so với bóng đá. Song, đối với những VĐV đang ngày đêm đổ mồ hôi và tâm huyết vì danh tiếng của Việt Nam, như thế cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Ít nhất, họ cảm nhận rằng mình đang được quan tâm, chú ý và sẽ tận lực vì điều đó, sẽ sắc sảo hơn trên sàn đấu.

Thể thao Việt Nam đang làm mọi cách để lớn mạnh, trong đó có tiêu chí quan trọng là kêu gọi các nguồn lực ngoài xã hội tham gia đầu tư hoàn toàn hoặc hỗ trợ một phần về tài chính. Lúc này, mới chỉ có bóng đá và môn chơi hạng sang như golf (nhưng không nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic) là làm được và làm rất tốt. Còn lại, đa số môn thể thao khác vẫn đang phập phù vì lúc có, lúc không.

Thế nên, giới làm nghề cần nhiều hơn món quà an ủi cho VĐV trước thềm Asian Games 17 như cách mà BSH và bầu Hiển vừa thực hiện…

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục