Chưa thể nói trước về tương lai của giải đấu này khi mà sau 2 lần tổ chức trước đây vào các năm 2002 và 2005, giải đã “chết yểu” sau mỗi kỳ thi đấu, không thể kéo dài quá một mùa. Tuy nhiên, việc nỗ lực khôi phục giải cũng cho thấy Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) nhìn rõ vấn đề của làng cầu khu vực: thiếu sân chơi có đẳng cấp, có sức hút để nâng cao chất lượng mặt bằng chung.
Làng cầu Đông Nam Á gần như chỉ gói gọn hoạt động đỉnh cao của mình qua AFF Cup, giải đấu dành cho đội tuyển quốc gia đang rơi vào trạng thái bão hòa về chất lượng, lại chịu sự cạnh tranh của vòng loại những giải đấu có quy mô lớn hơn, chất lượng hơn như Asian Cup, World Cup.
Việc ra đời một giải đấu dành riêng cho các CLB trở nên cấp thiết sau khi thành tích của những đội Đông Nam Á ở các sân chơi châu lục vẫn chưa có gì cải thiện nhiều. Đây là lý do mà Indonesia phải chọn “đường tắt” là nhập tịch cầu thủ, còn Thái Lan thay huấn luyện viên liên tục. Khi chất lượng cầu thủ không tăng, đội tuyển quốc gia rất khó cải thiện thành tích ở cấp châu lục.
Với bóng đá Việt Nam, đây được xem là động lực cho tiến trình chuyên nghiệp đang có dấu hiệu chững lại do những khó khăn tài chính. Cùng với AFC Champions League, ASEAN Club Championship sẽ cung cấp thêm ít nhất 5 trận đấu quốc tế nữa cho các đội bóng hàng đầu Việt Nam.
Lâu nay, mục tiêu lớn nhất của các CLB tại V-League là vô địch quốc gia. Có đội như Quảng Nam, sau khi vô địch năm 2017, coi như hết động lực, vài năm sau đã xuống hạng. Nhưng nay, khi có thêm giải đấu vừa sức này, tham vọng làm bóng đá chuyên nghiệp dài hạn được kỳ vọng tăng lên.
Do nằm trong khu vực Đông Nam Á, nên việc di chuyển thi đấu cũng không quá tốn kém, chơi thành công thì có tiền thưởng không nhỏ, lịch thi đấu cũng trùng khớp với V-League nên không phát sinh thời gian trả lương, doanh nghiệp tài trợ cũng “mát mặt” khi thương hiệu quảng bá rộng hơn…
Nói cách khác, một đội bóng tại V-League có thể không vô địch V-League nhưng sẽ cố gắng về nhì, hoặc dồn sức ở cúp quốc gia để lấy suất đá quốc tế. Đó là một khía cạnh để thu hút đầu tư cho bóng đá nội địa. Bên cạnh việc đua tranh chức vô địch V-League, nay đội bóng còn cơ hội đứng đầu Đông Nam Á. Hà Nội FC hay Becamex Bình Dương từng cho thấy hiệu quả của việc được tham gia những giải quốc tế.
Vấn đề còn lại là khi “cánh cửa” làm bóng đá chuyên nghiệp ngày càng mở, liệu con đường “lên chuyên” của bóng đá Việt Nam có rộng hơn hay không, nhất là khi nhiều CLB chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn chỉ được đầu tư cầm chừng. Với việc có thêm những giải đấu tại Đông Nam Á hay châu Á, ngân sách hoạt động sẽ tăng thêm để mua cầu thủ, tăng chiều sâu đội hình, nhất là trả lương cho ngoại binh, như vậy một đội bóng chuyên nghiệp cần những nhà đầu tư không chỉ có tâm huyết mà còn giàu tiềm lực tài chính thật sự.