Nhưng nếu mọi thứ không đi đúng lộ trình ấy thì sao?
Sau chuỗi 6 trận toàn thắng liên tiếp ở đầu mùa thì phần còn lại của mùa giải, chỉ 1 lần đội của Pep thắng 4 trận, 1 lần khác là 3 trận liên tiếp. Tính ổn định có vẻ như là điều xa xỉ trong cách xây dựng một đội bóng hùng mạnh mà các ông chủ Man xanh mong muốn.
Xem thêm vài con số khác: Trong 6 trận thua của Man.City thì hết 5 là đá trên sân khách, trước các đội trong tốp 5 (cộng thêm Leicester). Họ hòa đến 7 trận sân nhà. Nếu tính từ mùa 2011-2012, thời điểm mà họ vô địch đầu tiên trong kỷ nguyên của các ông chủ Ả rập thì mùa nào Man.City cũng đều thua ít nhất 6 trận cho dù đã 2 lần lên ngôi. Điều này có thể lý giải từ cách chọn lựa phong cách thi đấu tấn công của Man xanh, tuy nhiên không thể phủ nhận cái năng lực ấy vẫn chưa được thể hiện một cách trọn vẹn. Đây là lý do mà Pep được đưa về sân Etihad, nhằm đưa triết lý tấn công ấy lên tầm cao như Barcelona.
Nhưng xem ra, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Man.City hiện mới chỉ để thua 6 trận, đây được xem là thành tích tốt thứ 2 trong kỷ nguyên Ngoại hạng của đội bóng này nhưng hỡi ôi, khoảng cách điểm của họ so với Chelsea hiện là 15. Cứ cho Man.City thắng hết 3 trận còn lại đi và Chelsea “lỏng chân” sau khi đăng quang sớm thì khoảng cách vẫn sẽ rất lớn.
Vấn đề nằm ở chỗ đó: Phòng thủ thì không tệ hơn các mùa trước nhưng khoảng cách với các nhà vô địch lại không mấy thay đổi, hóa ra việc có một “chuyên gia tấn công” như Pep chẳng có tác dụng gì. Cần phải nhớ rằng, Man.City chưa chắc lọt vào tốp 4 kể cả khi họ không thua 3 trận còn lại.
Trong khi Mourinho đang chịu nhiều chỉ trích ở Man.United dù giúp đội có thành tích khá hơn, thì Pep lại được “ưu ái” hơn nhiều.