Mà thật ra, tham dự vòng chung kết này thì bảng nào cũng đều “nặng ký” cả, nên vấn đề quan trọng nhất là đội tuyển sẽ chơi như thế nào khi HLV Park Hang Seo lần đầu ra mắt mà thôi.
Vòng chung kết U.23 châu Á 2018 là giải lần thứ ba được tổ chức gồm 16 đội, trong đó có chủ nhà Trung Quốc. Giải diễn ra từ 9 đến 27-1-2018 lần lượt thi đấu từ vòng bảng cho đến trận chung kết. Có thể nói đây là giải quy tụ hầu hết các đội mạnh của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Iraq, Qatar, Australia… nên việc tuyển U.23 Việt Nam có mặt đã cho thấy phần nào vị trí của bóng đá Việt Nam hiện nay. Bóng đá Đông Nam Á có ba đại diện lọt vào vòng chung kết lần này gồm Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Trong đó, do có thành tích tốt hơn nên Thái Lan được xếp vào nhóm 3 cùng Uzbekistan Arabia Saudi và Syria để bốc thăm; Malaysia và Việt Nam xếp vào nhóm 4 cùng với Palestine và Oman. Ngoại trừ Thái Lan, có thể nói Malaysia và Việt Nam khó có thể vượt qua được các đội bóng có trình độ cao hơn trong bảng đấu trừ khi có những may mắn bất ngờ trong từng trận đấu.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của các tuyển thủ U23 trong thời gian HLV Miura và sau này là HLV Hữu Thắng dẫn dắt đã giúp Việt Nam có mặt ở vòng chung kết 2018. Năm 2016, Việt Nam cũng xuất sắc là một trong những đội bóng hiếm hoi của Đông Nam Á lọt vào vòng chung kết giải U.23 châu Á. Khi đó, thầy trò HLV Miura đã không qua được vòng bảng với ba trận thua. Tuy nhiên, đội tuyển đã ghi được 3 bàn thắng, trong đó ghi vào lưới Jordan 1 bàn và UAE 2 bàn. Riêng trong trận thua trước tuyển Australia, các cầu thủ không ghi được bàn nào và để đối phương ghi đến 2 bàn. Theo các chuyên gia, gặp lại lần này trong cùng bảng đấu, Australia có lực lượng thậm chí mạnh hơn lần trước. Ngoài ra, Hàn Quốc với vị trí á quân giải 2016 sẽ khó có cửa cho Việt Nam dù ở trận vòng loại trên sân Thống Nhất chúng ta chỉ thua với tỷ số sít sao 1-2.
Dù vậy, như đã nói, kết quả khó có thể xoay chiều khi trình độ bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể sánh với các đội bóng châu Á khác trong cùng bảng, nhưng quan trọng hơn, đây là giải đấu mà lần đầu tiên HLV Park Hang Seo dẫn dắt. Hai tháng để chuẩn bị là thời gian không phải ngắn, nhưng để áp dụng một tư duy chiến thuật mới cho nhuần nhuyễn thì thật khó. Ông Park tuyên bố, sẽ chọn lối đá ngắn, nhanh trên nền tảng kỹ thuật cá nhân cầu thủ. Đây có thể nói là phù hợp với lối đá của cầu thủ Việt Nam trước nay. Tuy nhiên, bóng đá hiện đại đã khá thực dụng. Dù áp dụng kỹ thuật cá nhân nhưng thiếu nền tảng thể lực, thiếu biến hóa thì rất dễ bị bắt bài và áp đặt lối chơi. Ngoài ra, căn bệnh lưu cữu của bóng đá Việt Nam là luôn lấy lý do áp lực tâm lý ra để giải thích cho các trận thua. Các cầu thủ được gọi vào đội tuyển U.23 cũng như tuyển quốc gia hiện nay đều dạn dày chinh chiến ở V-League và các giải quốc tế khác nên không có lý do gì để nói tâm lý thi đấu không tốt. Nếu thật sự tâm lý cầu thủ không đảm bảo thì đây mới là bài toán khó cho ông Park và các trợ lý. Không đặt nặng thành tích ở giải đấu quá tầm, nhưng đây là giải rất quan trọng để HLV Park Hang Seo thể hiện khả năng ban đầu của mình. Hy vọng người hâm mộ sẽ hài lòng khi chứng kiến bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển khi ngày càng có sự đầu tư tốt hơn.