Trong lịch sử, bóng đá Liên Xô vốn đã từng đá bại bóng đá Brazil những… 2 lần, ở các giải đấu chính thức. Đó là ở Olympic Montreal 1976, khi Olympic Liên Xô đánh bại Olympic Brazil với tỷ số 2-0 trong trận tranh HCĐ, nhờ công của Volodymyr Onyschenko và Leonid Nazarenko, hay như ở Olympic Seoul 1988, các chàng trai trẻ Alexi Mikhailchenko và Igor Dobrovolski đã hạ gục đội bóng của Romario trẻ trung với tỷ số 2-0 trong trận tranh HCV.
Tuy vậy, ở cấp độ bóng đá “người lớn”, cấp độ đội tuyển, bóng đá Liên Xô liên tục thua sấp mặt trước đội bóng của Xứ sở Samba, như thua 0-2 ở World Cup 1958, trận thua mà huyền thoại Lev Yashin và các đồng đội chịu khuất phục hoàn toàn trước Brazil của Didi, Vava, Mario Zagalo và đặc biệt là “Vua bóng đá” Pele, người sau đó đưa Brazil giành ngôi Vô địch thế giới. Hay trận thua với tỷ số 1-2 cũng ở đấu trường World Cup, hồi mùa Hè năm 1982.
Ở trong trận đấu cũng rất đáng nhớ đó, tuyển Liên Xô của những danh thủ Rinat Dasaev, Vladimir Bessonov, Sergei Baltacha, và đặc biệt là cả Oleg Blokhin, tiếp tục “dưới màu” tuyển Brazil của những huyền thoại như là Falcao, Socrates rồi Zico, và đội đã thúc thủ với tỷ số 1-2 dù đã dẫn trước 1-0 (nhờ công của Andrei Bal), khi Socrates và Eder lần lượt lập công giúp cho Vàng - Xanh ngược dòng ngoạn mục ở những phút cuối của hiệp đấu thứ 2.
Tuy nhiên, trong suốt những năm tháng “thảm bại” trước đối thủ ở phía bên kia đại dương, hóa ra, tuyển Liên Xô vẫn có 1 lần duy nhất giành được chiến thắng. Sự kiện bất ngờ đó diễn ra trước kỳ World Cup 1982 đúng 2 năm. Đó là vào ngày 15-6-1980, trong một trận đấu giao hữu nhân kỷ niệm 30 năm ngày khánh thành “Thánh địa” Maracana của bóng đá Brazil. Trong trận đấu đó, tuyển Liên Xô của những Fedor Cherenko và Sergei Andreev bất ngờ giành chiến thắng 2-1…
Tuyển Brazil, như lẽ thường, đã khởi đầu trận đấu với phong cách tấn công như “mưa sa bão táp”, không hề nghĩ đến việc, đây là đội bóng khách mời đến “chung vui” với họ trong một sự kiện quan trọng. Phút thứ 28 của trận đấu, Nunes đưa đội chủ nhà vượt lên dẫn trước. Đúng 1 phút sau, lý ra tuyển Brazil đã có thể nhân đôi cách biệt, rồi từ đó “hủy diệt” tuyển Liên Xô, tiếc là, Zico đã sút hỏng quả phạt đền.
Kể từ đó, “phép màu” đã xảy ra. Cherenkov ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1 ở phút thứ 32 của trận đấu. Sau đó, đến phút thứ 38, Andreev tiếp tục nâng tỷ số ngược dòng lên thành 2-1 đầy tính bất ngờ. Trong hiệp 2, dù cả 2 cùng đôi công dữ dội và quyết liệt, tỷ số 2-1 vẫn được giữ nguyên - nghiêng về phía đội tuyển Liên Xô. Với chiến thắng lịch sử trong trận đấu giao hữu đó, tuyển Liên Xô "thắng" luôn danh hiệu: “Nhà vô địch thế giới của… các trận giao hữu”.
Nhớ lại sự kiện tuyệt vời hồi 40 năm trước, ông Andreev (hiện đang là một HLV) hào hứng kể: “Sau khi đánh bại tuyển Brazil ngay tại Thánh địa Maracana, đội bóng của chúng tôi bắt đầu được người ta gọi là: “Nhà vô địch thế giới của các trận cầu giao hữu”. Đó là để miêu tả tại sao các đội tuyển quốc gia khác mời chúng tôi đến thi đấu, và chúng tôi “xơi tất”. Ồ, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về việc tại sao tuyển Brazil lại nghĩ đến việc mời chúng tôi đá giao hữu nhé. Trước đó, chúng tôi có trận đấu giao hữu cũng trong năm 1980 với tuyển Thụy Điển, tại Malmo. Hồi đầu tháng 5. Thụy Điển chưa từng thua ở sân này trong 22 năm. Chúng tôi đến đây, thi đấu trên một mặt sân rất ngu ngốc, nhưng trong hiệp 1, chúng tôi vẫn kịp thắng 4-1, riêng tôi đã ghi đến 2 bàn thắng”.
“Chúng tôi kết thúc trận đấu đó với chiến thắng 5-1, một kết quả gây sốc. Và sau đó, ông bầu Lance, người chuyên gia tổ chức các trận đấu giao hữu giữa các đội tuyển hùng mạnh đã bước vào phòng thay đồ của tuyển Liên Xô để chúc mừng chúng tôi. Ông ấy khen: “Một chiến thắng rất tuyệt vời, tôi đề nghị trao cho các anh một trận đấu giao hữu với tuyển Argentina”. Đương nhiên là, chúng tôi đồng ý. Trận đấu chống là nhà Đương kim vô địch thế giới, đội tuyển vô địch World Cup 1978 bắt đầu được chuẩn bị”, Adreev tiếp tục kể.
“Nhưng 10 ngày sau, ông bầu Lance bất ngờ gọi cho chúng tôi và nói có một số vấn đề với trận đấu cùng tuyển Argentina. Tôi không biết đó là vấn đề gì. Nhưng chẳng sao cả. Thay vì đá với tuyển Argentina, ông ấy trao cho chúng tôi cơ hội đá với đội tuyển từng 3 lần vô địch thế giới. Đó là đội tuyển Brazil. Với chúng tôi, có gì khác nhau đâu. Không đá với đội tuyển vô địch thế giới này, thì đá với đội tuyển vô địch thế giới khác. Có gì tệ hơn chứ? Và cũng vì thế, chiến thắng huyền thoại và lịch sử đã ra đời”, Andreev hào hứng nhớ lại.
“Trận đấu khởi đầu thật là rối rắm. Trong khoảng 20 phút đầu tiên, chúng tôi chẳng biết phải chạy, di chuyển hay đá như thế nào. Rồi sau đó, Nunes bật cao đánh đầu, Dasaev vươn hết cả thân người vẫn không thể với đến bóng. Kết quả là 0-1. Đúng 1 phút sau đó, tuyển Brazil được hưởng phạt đền. Tất cả chúng tôi đều rất sợ hãi. Dasaev, theo bất kỳ cách nào, bắt phạt đền dở ẹc. Anh ấy là 1 thủ môn giỏi. Anh ấy luôn làm chủ khu 5 mét 50 và vững vàng trên vạch vôi. Nhưng anh ấy chưa từng cản được 1 quả phạt đền nào, trong suốt sự nghiệp. Theo quan điểm của tôi, anh ấy bắt phạt đền chỉ được 2 điểm"
"Nhưng khi Zico bước lên vạch 11 mét, dù tỏ ra rất thoải mái, anh này lại… đá ra ngoài, cách cột dọc khoảng 10 hay 15 centimet. Tuy nhiên ngay cả có như vậy, Dasaev vẫn có pha đổ người hay nhất trong đời, anh ấy bay đúng phía và ngón tay vươn ra như thể sẵn sàng chộp lấy quả bóng. Chắc chắn, pha đổ người của Dasaev đã khiến Zico sảng hồn và đá ra ngoài. Người Tatar (Dasaev là người gốc Tatar) mới là kẻ chiến thắng. Rồi sau đó, chúng tôi bắt đầu ghi bàn, phút thứ 32 và phút thứ 38. Chúng tôi đã thắng ở Maracana như vậy đó”.
Trận duy nhất tuyển Liên Xô đánh bại Brazil, ngay tại Maracana