Khu vườn cổ tích

Bẵng đi một thời gian rồi ghé thăm, lại thấy những cậu bé của Học viện HAGL-Arsenal JMG “trổ giò” hơn, giọng cũng ồm ồm hơn một chút. “Ít nữa thôi, chúng sẽ cao vượt tôi rồi. Bây giờ, tranh chấp bóng trên sân là ngang ngửa, thầy cũng như trò, cơ hội 50-50”, HLV Guillaume Graechen vui vẻ nói. Trông lũ trẻ lớn khôn, lại mong đến ngày lứa đầu tiên của chiến lược ươm tài năng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức ra lò. Lúc đó, nói như ông bầu này, có khối chuyện để bàn!
Khu vườn cổ tích

Bẵng đi một thời gian rồi ghé thăm, lại thấy những cậu bé của Học viện HAGL-Arsenal JMG “trổ giò” hơn, giọng cũng ồm ồm hơn một chút. “Ít nữa thôi, chúng sẽ cao vượt tôi rồi. Bây giờ, tranh chấp bóng trên sân là ngang ngửa, thầy cũng như trò, cơ hội 50-50”, HLV Guillaume Graechen vui vẻ nói. Trông lũ trẻ lớn khôn, lại mong đến ngày lứa đầu tiên của chiến lược ươm tài năng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức ra lò. Lúc đó, nói như ông bầu này, có khối chuyện để bàn!

  • Sắp giã từ thời chân đất !

Ít hôm trước, khóa 1 của Học viện được mang giày tập thử. Thế nhưng, các chuyên gia từ Học viện lớn Arsenal-JMG bảo hãy còn khá sớm, chừng vài tháng nữa mới ổn. Thành ra, lũ trẻ đang lớn, đang chờ đợi một bước ngoặt sau 4 năm miệt mài quần thảo với đôi chân trần có vẻ hơi chưng hửng. “Tụi con đợi được mang giày lâu rồi, nhưng chẳng sao, vì thầy Guillaume nói chậm lại một tí sẽ ổn”, cầu thủ Lê Đức Lương bày tỏ.

Những buổi tập không thiếu tiếng cười. Ảnh: Dũng Phương ảnh 1

Những buổi tập không thiếu tiếng cười. Ảnh: Dũng Phương

Chắc cũng chừng 2 tháng nữa, lũ trẻ sẽ được mang giày, chính thức chia tay thời đá chân đất, HLV Guillaume bảo vậy. Quan trọng là trước thời điểm “chuyển giai đoạn”, kỹ năng của các cầu thủ cần được thẩm định lại. “Trước sau thì họ cũng được tập với giày, không nên quá vội vã. Lúc này, cứ tạm đá chân đất cái đã!”, HLV Guillaume nhấn mạnh.

Chân đất hay mang giày thì với nhiều cầu thủ cũng không quá quan trọng, bởi lẽ, những kỹ năng cả về chuyên môn đá bóng lẫn văn hóa, ngoại ngữ được trang bị đầy đủ. Sáng cắp sách đến trường học chữ, trưa và chiều ra sân luyện nghề, ít lâu được đá giao hữu với các đội U của Gia Lai, của Bình Định hay các học viện bóng đá khác ở Việt Nam, Thái Lan…

HLV Giullaume chỉ dẫn học trò mang giày đá thử. ảnh 2

HLV Giullaume chỉ dẫn học trò mang giày đá thử.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng bộ môn bóng đá Trường ĐH TDTT TPHCM đánh giá: “Tôi rất bất ngờ khi gặp lại và xem các cháu chơi bóng. Kỹ thuật cơ bản rất giỏi, vừa khéo lại vừa nhanh. Đấy là bước tiến dài đối với công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam. Thường thì chúng ta quen với cảnh đào tạo “ăn xổi” ở nhiều đội bóng, có cầu thủ đá ở giải lớn vẫn chưa vững về chuyên môn. Tôi chỉ tiếc một điều là thể hình của các cầu thủ Học viện này hơi bé, sẽ mệt nếu phải tranh chấp với cầu thủ nước ngoài. Còn về bài bản được đào tạo, chẳng thể chê được điều gì!”.

Khóa đầu tiên của Học viện HAGL-Arsenal-JMG đã qua hơn nửa chặng đường, nghĩa là ngày “ra trường” của những tài năng này cũng gần rồi. Hỏi Guillaume rằng với tốc độ huấn luyện và khả năng tiếp thu của học trò hiện nay, liệu mơ ước “xuất khẩu” cầu thủ ra châu Âu có khả thi?

Các cầu thủ miệt mài tập luyện. ảnh 3

Các cầu thủ miệt mài tập luyện.

Vị HLV người Pháp vui vẻ: “Vài năm nữa, anh muốn nhìn thấy họ chơi bóng ở giải nào, Ngoại hạng Anh hay Tây Ban Nha?”. Nhưng rồi anh nghiêm túc: “Tôi rất tâm đắc với lứa đầu tiên. 2-3 năm nữa, họ thừa sức đá ở giải V-League của các bạn. Nhưng như thế thì hơi phí. Nếu đi ra nước ngoài, họ có nhiều cơ hội phát triển tài năng hơn. Hơn nữa, điều đó rất có ích cho bóng đá Việt Nam”.

Chính vì mục tiêu “hướng ngoại”, nên ngoài chuyện học văn hóa, học bóng đá theo giáo án huấn luyện khắt khe, các cầu thủ còn thường xuyên nghiên cứu các trận đấu quốc tế của các CLB hàng đầu như Arsenal, Man.United, Chelsea, Real Madrid, Barcelona… “Điều đó rất quan trọng. Thứ nhất, nhiều cầu thủ sẽ bắt chước và học theo kỹ thuật cá nhân của các ngôi sao thể hiện trên sân. Mà về điều này, những đứa trẻ thường làm tốt hơn người lớn. Thứ nhì, qua đó, họ cũng hiểu được ý thức sinh hoạt, thi đấu của 1 cầu thủ chuyên nghiệp cần thêm những yếu tố gì”, HLV Guillaume lý giải.

Bây giờ, trò đâu có ngán tranh chấp với thầy! ảnh 4

Bây giờ, trò đâu có ngán tranh chấp với thầy!

  • Khu vườn cổ tích

Lên Học viện HAGL-Arsenal-JMG bây giờ đông vui thật!

Chỉ tính riêng 2 khóa đào tạo đã có đến vài chục cầu thủ nhí. Khi đến trường học chữ, Trung tâm Hàm Rồng vắng lặng, chỉ còn tiếng… gió thở. Nhưng chừng 10 giờ sáng đến tầm trưa và khoảng 15 giờ 30 trở đi đến chiều muộn, sự náo nhiệt sẽ bắt đầu và xóa tan bầu không khí tĩnh mịch. Đám này so tài với thầy Guillaume, nhóm khác tập với HLV Văn Đàn, còn nhóm nữa học rê dắt bóng dưới sự giám sát của HLV Minh Ninh. Chan hòa tiếng cười, đầy câu chọc ghẹo nhau trên sân, nhưng dứt khoát thời lượng và chất lượng bài tập phải được đảm bảo.

HLV Văn Đàn “giám sát” chuyện học. ảnh 5

HLV Văn Đàn “giám sát” chuyện học.

“Tinh thần thoải mái là điều phải giữ. Nếu căng thẳng trên sân, giáo án huấn luyện của bạn dễ bị phá sản. Tôi có thể khắt khe khi hướng dẫn kỹ thuật cho cầu thủ, nhưng không thể gằn giọng với chúng. Phải nhẹ nhàng và gần gũi mới giúp họ nhập tâm được”, HLV Guillaume tâm sự. Và chính mối thân tình giữa thầy với học trò đã biến các buổi tập tưởng như nặng nề trở thành các buổi học ngoại khóa đầy sôi động.

Cứ nhìn cảnh ngày một đông đúc của Học viện, nhiều người lại tấm tắc: “Trông cứ như 1 khu vườn cổ tích!”. Ngẫm mới thấy đúng. Cái học viện này mang theo tâm huyết, nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức, khiến nhiều người phải ước mơ. Thành ra cứ có dịp, ông bầu phố núi lại tự hào nói về lũ trẻ, rằng một ngày mai, khi chúng trưởng thành, sẽ mang theo hoài bão của mình làm rạng danh bóng đá phố núi, bóng đá Việt Nam… 

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Phủi 365

Giải S7 Chợ Mới mở rộng, tranh Cúp Billiards Gold 2 - Long Xuyên: 3 ngày sôi động, vui buồn lẫn lộn, thu hút hàng trăm khán giả đến sân, hàng ngàn khán giả xem live-stream

Giải S7 Chợ mới mở rộng kết thúc hồi tuần trước, nhưng dư âm của nó sẽ còn đọng lại miền đất sân 11 người cỏ tự nhiên mãi về sau. Kim Thành FC (Bạc Liêu) đăng quang ngôi vô địch đầy xứng đáng với đội hình “binh hùng tướng mạnh”, thừa sức ngược ra Bắc đá VPL, nhưng cũng rất đáng khen cho Phong Táo FC (Đồng Tháp), đội bóng áo đỏ đã thiệt quân trong trận đấu chung kết vẫn ra sức chiến đấu, trụ lại đến hiệp 2 dưới sự chỉ huy của “Cap” Tuấn Vinh...