Không nói hay được

Thủ môn Bùi Tiến Dũng vừa mắc sai sót nặng trong màu áo CLB TPHCM ở AFC Cup 2020. Như vậy, tính từ năm 2019 đến nay, ở tất cả các giải quốc tế mà Bùi Tiến Dũng được ra sân thi đấu, anh đều để thua ở các tình huống mắc lỗi kỹ thuật. Sự lặp đi, lặp lại như vậy ở các cấp độ và màu áo khác nhau, đủ để khẳng định thủ môn người Thanh Hóa này có vấn đề về năng lực.

Về lý thuyết, nếu thủ môn mắc lỗi thì trách nhiệm ban đầu thuộc về những người sử dụng anh, đó là HLV thủ môn và HLV trưởng của đội bóng. Xét ở khía cạnh nào đó, bản thân cầu thủ không có lỗi. Ai cũng mắc sai sót khi thi đấu, chỉ khác nhau là hậu quả của những sai sót đó đối với thủ môn thường nặng nề hơn. Tuy nhiên, ở trường hợp của Tiến Dũng, có những vấn đề mang tính điển hình cho các yếu tố rủi ro trong nền bóng đá nghiệp dư lãnh lương cao tại Việt Nam.

Sau thành công tại U23 châu Á 2018, Bùi Tiến Dũng nhanh chóng trở thành nhân vật được “tiếp thị” nhiều nhất sau khi anh đồng ý làm khách hàng cho một công ty truyền thông. Việc khai thác hình ảnh thương mại của anh xuất hiện với tần suất dày đặc, vượt qua cả những ngôi sao thành danh trước đó như Công Phượng, Quang Hải… Ban đầu, người ta mừng vì cầu thủ Việt Nam được cải thiện thu nhập thông qua quảng cáo, mạng xã hội, không phải chịu cảnh thua kém so với giới showbiz. Nhưng thành công càng lớn ở mảng thương mại, thì năng lực thi đấu lại giảm sút. 

Tại CLB Thanh Hóa trong mùa giải 2018, Tiến Dũng liên tục mắc lỗi. Các nhà quản lý đội bóng còn chịu thêm sức ép từ dư luận khi cho rằng, đã “trù dập” Tiến Dũng nên buộc lòng phải bán gấp anh cho đội Hà Nội. Đến mùa giải 2019, Tiến Dũng chỉ thi đấu không quá 10 trận cho đội bóng thủ đô, và lại được bán gấp cho CLB TPHCM. Trong suốt thời gian ít được thi đấu đó, cứ có cơ hội ra sân thì Tiến Dũng lại… mắc lỗi. Ở đội U23, vị trí số 1 đang thuộc về Văn Toản, còn ở đội tuyển Việt Nam, có thể Tiến Dũng còn không được gọi tập trung, dù là bắt dự bị.

Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở góc độ chuyên môn thì cơ hội cho Tiến Dũng trở lại với đỉnh cao vẫn còn triển vọng. Thế nhưng, đã có những “nuông chiều” nhất định với thủ môn này. Khi người hâm mộ chê trách các sai sót của Tiến Dũng tại SEA Games 30, người đại diện của anh lại cáo buộc người hâm mộ “vô ơn”. Sau đó, hợp đồng của Tiến Dũng chuyển đến CLB TPHCM lại được công khai số tiền lót tay rất “khủng” như để thể hiện giá trị của cầu thủ này. Những thủ thuật PR đó không giúp cho Tiến Dũng tiến bộ về chuyên môn, chưa kể HLV của TPHCM phải chịu thêm áp lực sử dụng anh này nếu không muốn mang tiếng “lãng phí”.

Bóng đá Việt Nam từng “mất” nhiều cầu thủ chỉ vì sự bao bọc của “người lớn”, mà tiêu biểu nhất chính là Phạm Văn Quyến, người có thời còn được săn đón quảng cáo nhiều hơn các ngôi sao showbiz trước khi dính vào tiêu cực 2005.

Tin cùng chuyên mục