Khi ngôi sao hàng đầu kiệt sức

Hôm 6-11, tay vợt cầu lông nữ số một Việt Nam Nguyễn Thùy Linh thua ngược Kim Min Sun 1-2 ngay tại vòng một Korea Masters super 300 ở Hàn Quốc. Đây là kết quả gây sốc khi đối thủ của Thùy Linh mới 18 tuổi, đứng thứ 400 thế giới, tức kém hơn cô đến 370 bậc.

Thất bại này không bất ngờ. “Hotgirl cầu lông” Thùy Linh đang chấn thương lưng và đau hai gót chân. Trước đó, sau khi dự 3 giải đấu liên tiếp là Vietnam Open, China Open và Hylo Open 2024 (Đức), Thùy Linh đã lên tiếng về việc có thể xin rút các giải quốc tế còn lại trong năm 2024 do vấn đề sức khỏe không đảm bảo.

Tuy nhiên, do đã đăng ký giải Masters Hàn Quốc 2024 nên Thùy Linh không kịp xin rút lui. Với thể trạng không tốt cùng tâm lý mệt mỏi, tay vợt 27 tuổi không thể hiện được phong độ, và thường đánh hỏng rồi để thua ngược.

L6b.jpg
Tay vợt Nguyễn Thùy Linh thường thi đấu đơn độc ở các giải quốc tế

Trên trang cá nhân, Thùy Linh chia sẻ: “Thể trạng của mình bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu quá tải và trí óc cũng mệt nhoài. Và cho dù mình có cố gắng mạnh mẽ đến đâu, thì sẽ có lúc, tâm trí và cơ thể cũng phát ra những tín hiệu cầu cứu”.

Nhiều khả năng Masters Hàn Quốc 2024 sẽ là giải đấu cuối mà Thùy Linh tham dự trong năm 2024. Cô sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, chữa trị chấn thương, phục hồi thể lực. Đây được xem là quãng nghỉ cần thiết sau hành trình thi đấu liên tục của Thùy Linh.

Câu chuyện của Thùy Linh cho chúng ta thấy con đường vươn đến vinh quang của các VĐV chưa bao giờ dễ dàng, đồng thời cũng cảnh báo về sự thiếu hụt các hỗ trợ cần thiết cho những VĐV tài năng đặc biệt là ở yếu tố tinh thần, tâm lý.

Đừng vội so sánh các áp lực của Thùy Linh đối diện với các tay vợt chuyên nghiệp khác trên thế giới. Cầu lông Việt Nam chưa ở chế độ nhà nghề. Ngay ở trong nước, chuyện tự vác ba lô cầm vợt đi đánh giải này, giải kia một mình cũng ít, nên việc thường xuyên ra nước ngoài đơn độc dự giải để tìm điểm số là không đơn giản với một nữ VĐV như Thùy Linh.

Ngoài sự đơn độc, Thùy Linh còn chịu áp lực về sự kỳ vọng của người hâm mộ, danh tiếng của bản thân và cuộc cạnh tranh từng điểm số vốn liên quan đến thứ hạng thế giới, đến sự phân bố hạt giống kèm cơ hội tiến sâu tại các giải quốc tế có tiền thưởng. Những điều này, Thùy Linh gần như không có ai chia sẻ trong bối cảnh cầu lông Việt Nam có quá ít ngôi sao lớn, đặc biệt ở nội dung nữ. Thế nên, khi cơ thể bị chấn thương thì các áp lực tinh thần sẽ càng đẩy nhanh quá trình kiệt sức.

Trong tự truyện của mình, cầu thủ 3 lần đoạt Quả bóng vàng Việt Nam Lê Công Vinh từng đề cập đến khó khăn lớn nhất mà anh đối diện khi sang Nhật Bản thi đấu đó là sự cô độc về mặt tinh thần. Điều này cũng từng được “Tiểu tiên cá” Ánh Viên chia sẻ khi nói về 3 năm tập huấn ở Mỹ với chế độ 1 thầy - 1 trò.

Ở Việt Nam, dinh dưỡng và tâm lý là một trong những khâu yếu nhất, cùng với điều kiện tập luyện. Chúng ta chưa có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, dành riêng cho thể thao đỉnh cao. Một nữ VĐV như Thùy Linh, đi thi đấu xa nhà nhiều thì đương nhiên sẽ kiệt sức về thể chất. Điều quan trọng là đừng để phần tâm lý, tinh thần cũng ở trong trạng thái áp lực lớn thì mới kéo dài được sự nghiệp.

Tin cùng chuyên mục